Doanh nghiệp vừa và nhỏ chật vật vượt “bão”
Kinh tế - Ngày đăng : 06:14, 27/08/2011
DN phải tự cứu
Là một DN chuyên kinh doanh các sản phẩm về tóc và đồ trang điểm, Công ty CP Đầu tư Vũ Cường cũng như nhiều DN tư nhân vừa và nhỏ khác ở TP Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng, khi Nghị quyết 11 yêu cầu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dưới 20% và tín dụng phi sản xuất (bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng) đến ngày 30-6-2011 là 22%, đến ngày 31-12-2011 là dưới 16%. Lo lắng vì mỗi tháng phải trả lãi ngân hàng 100 triệu đồng, anh Nguyễn Tấn Vũ, Giám đốc Công ty, chia sẻ: "Không chỉ khó vay vốn, các ngân hàng còn định giá thấp tài sản thế chấp. Ví dụ như trước đây, thế chấp tài sản của Công ty có thể vay được 7 tỷ đồng, nhưng hiện chỉ vay được 4 tỷ là cùng. Với lãi suất cho vay cao tới 24,5% thì DN làm ăn giỏi mấy cũng khó có lãi".
Nhiều DN vừa và nhỏ của TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng. Trong ảnh: Công nhân dệt vải tại DN tư nhân dệt - sản xuất thương mại Tuấn Dũng. |
Anh Vũ cho biết, năm ngoái doanh thu của công ty đạt 35 tỷ đồng nhưng năm nay chưa chắc được 15 tỷ vì hàng tồn kho nhiều, không dám ký hợp đồng mới. "Lạm phát tăng cao là lý do khiến người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm". Giải pháp "tự cứu" của anh Vũ, cũng như nhiều DN vừa và nhỏ khác tại TP Hồ Chí Minh trong thời buổi khó khăn, là cắt giảm nhân công và chi phí sản xuất… để tránh bị phá sản.
Thống kê mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, riêng 6 tháng đầu năm 2011 có tới 3.000 DN tuyên bố ngừng hoạt động, thực chất là phá sản. Đặc biệt có tới 2/3 trong số 136 mặt hàng tồn kho cao hơn cùng kỳ, như đồ gỗ tồn kho 92,4%; đồ uống không cồn 84,4%... Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng và giá xăng dầu đều cao, cùng nhiều biến động khác của thị trường, để trụ vững qua "cơn bão" quả là một thách thức lớn với các DN vừa và nhỏ.
Cần đa dạng hóa nguồn vốn
Tại Hội thảo "Ngân hàng-DN trước tác động của chính sách tiền tệ" vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhiều đại diện DN vừa và nhỏ của TP đã kiến nghị ngành ngân hàng cần linh hoạt hơn trong việc cho vay vốn nhằm giúp các DN tháo gỡ khó khăn hiện nay. Trả lời ý kiến cho rằng "Nghị quyết 11 dường như có lợi hơn đối với các DN nhà nước, tập đoàn lớn cũng như các ngân hàng", bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, giải thích: "Nghị quyết 11 không nhằm mục đích có lợi cho DN nhà nước hay các tập đoàn, bởi các DN đều bình đẳng trước pháp luật. Có điều bản thân các DN vừa và nhỏ luôn khó khăn hơn các DN lớn về tiềm lực tài chính. Khi thắt chặt tín dụng, các ngân hàng sẽ ưu tiên những dự án khả thi trên cơ sở bảo đảm an toàn vốn, vì thế các dự án không khả thi của DN nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn cũng là điều dễ hiểu".
Theo bà Hồng, để duy trì sản xuất, kinh doanh trong lúc khó khăn, DN cần đa dạng hóa nguồn vốn để tránh quá lệ thuộc vào các ngân hàng, phải tính toán sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả và phải biết thích ứng với sự thay đổi trong các chính sách của Chính phủ. Cùng nhận định này, TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Việc 30% DN vừa và nhỏ trong cả nước bị phá sản từ đầu năm đến nay là chuyện bình thường. Ở Nhật Bản, mỗi năm có khoảng 60% DN nhỏ phá sản. Vì thế, không nên lấy chuyện DN nhỏ phá sản để yêu cầu Chính phủ phải giải cứu, mà phải hướng đến mục tiêu quan trọng là ổn định kinh tế vĩ mô".
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các DN TP Hồ Chí Minh vẫn tin tưởng Chính phủ sẽ sớm có sự điều chỉnh linh hoạt, đặc biệt trong chính sách tiền tệ. Và trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn thì việc 6 tháng đầu năm cả nước vẫn có thêm 39.500 DN thành lập với tổng số vốn đăng ký 230.200 tỷ đồng cho thấy đó là một tín hiệu lạc quan.