Du lịch Hà Nội: Cần bước đột phá mới
Du lịch - Ngày đăng : 06:35, 26/08/2011
Sao mà phải đi qua Hà Nội?
Trong những năm qua, hoạt động du lịch Hà Nội đã có những bước tiến nhảy vọt. Tuy nhiên, nếu so sánh sự phát triển so với ngành du lịch ở thủ đô của nhiều quốc gia trong khu vực, thậm chí là với một số địa phương khác trong nước thì du lịch Hà Nội còn tụt lại một khoảng khá xa.
Một góc khu du lịch sinh thái Đầm Long (huyện Ba Vì). Ảnh: Bá Hoạt |
Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của du lịch Thủ đô, PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho rằng, ở khu vực phía Bắc, Hà Nội chính là "cửa đến" với những điều kiện thuận lợi về giao thông vốn đủ cả đường không, đường bộ và đường thủy. Hà Nội không chỉ là điểm đến kết nối với các địa phương bởi sau khi hợp nhất, địa giới hành chính được mở rộng, vùng đất "rồng cuộn, hổ ngồi" đã có thêm lợi thế và xứng đáng có một vị thế cao hơn, thay vì lơ lửng với vai trò điểm dừng chân trong hành trình đến Hạ Long, Cát Bà của nhiều người… Do chưa có chiến lược dài hạn về phát triển du lịch, chưa có cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, du lịch Hà Nội chưa thể phát huy sức mạnh nội lực, hiệu quả so với tiềm năng còn thấp. Mặt khác, việc thiếu sản phẩm du lịch đặc thù khiến lượng khách ở lại với Thủ đô còn khiêm tốn.
Có nhiều điều nhẽ ra Hà Nội đã có thể và cần phải làm tốt hơn. Tại khu du lịch Cổ Loa (thuộc huyện Đông Anh), công cuộc biến nơi đây thành điểm hẹn hấp dẫn du khách suốt hơn mười năm vẫn "giậm chân tại chỗ". Với khu vực giàu tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái như Ba Vì, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp chưa thể đem lại cho nơi này một bộ mặt mới. "Vì thiếu định hướng cụ thể nên Hà Nội mới chỉ là trung tâm trung chuyển khách du lịch chứ chưa là đầu tàu phát triển du lịch của cả nước như mong muốn", PGS.TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Du lịch, Thủ đô Hà Nội cần đưa ra mục tiêu đón 2 triệu lượt khách quốc tế ngay trong năm 2012, chứ không phải chờ đến năm 2015. Để hoàn thành mục tiêu trên, Hà Nội cần tổ chức hội chợ du lịch quốc tế với quy mô lớn. Ngoài ra, Hà Nội nên tập trung quảng bá vào những thị trường có đường bay trực tiếp hoặc tổ chức họp báo cho các hãng truyền thông nước ngoài hiện có mặt tại đây thay vì mời các nhà báo từ nước ngoài đến. Mặt khác, du lịch Thủ đô nên tập trung hơn vào hai sản phẩm chính để thu hút du khách quốc tế, đó là phố cổ và du lịch sinh thái. |
Đứng đầu cả nước về số cơ sở lưu trú nhưng công suất sử dụng buồng phòng ở Hà Nội thấp hơn nhiều so với TP Hồ Chí Minh. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng, hoạt động du lịch Thủ đô trong thời gian gần đây có phần kém hơn các địa phương khác trên cả nước. Nguyên nhân là nơi đây thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn, thiếu khu vui chơi, giải trí chất lượng cao và điều đó không giúp Hà Nội níu giữ du khách ở lại lâu hơn. Nhiều du khách đến Hà Nội chỉ chấp nhận ở 2 ngày, 1 đêm, cho rằng đến ngày thứ 3 là không biết làm gì nữa.
Không chỉ thiếu sản phẩm, du lịch Thủ đô còn bộc lộ sự yếu kém trong khâu liên kết. Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, ý thức gây dựng cho du lịch phải thông suốt và thường trực trong các ngành, các cấp. Nếu mỗi đoàn công tác, mỗi hoạt động của cá nhân và tập thể ở nước ngoài đều coi trọng việc xúc tiến du lịch, gây thiện cảm về đất và người Thủ đô thì sẽ góp phần quảng bá, nâng tầm cho du lịch Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay, hiệu quả phối hợp còn rất hạn chế.
Quy hoạch mới, bước đột phá mới
Theo đánh giá của hầu hết chuyên gia về du lịch, Hà Nội hội tụ đầy đủ điều kiện phát triển du lịch, nếu được tận dụng hợp lý thì hiệu quả hơn rất nhiều so với hiện nay. Điều đó chưa có được là bởi cách khai thác tiềm năng du lịch còn nặng tính tự phát, thiếu chiến lược bền vững. Bằng chứng là sản phẩm du lịch của Hà Nội chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái có sẵn chứ chưa được đầu tư đúng mức, đủ để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, làng nghề, phố cổ. Đôi lúc, có cảm tưởng ngành du lịch chỉ biết "vắt" tiềm năng, thay vì vừa khai thác vừa nghĩ cách làm thứ sẵn có giàu đẹp thêm và tạo ra sản phẩm mới đúng nghĩa.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, du lịch Hà Nội cần tạo sự đột phá. Trước hết, những người gắn bó với du lịch của mảnh đất nghìn năm văn hiến cần ngồi lại để cùng nhau tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với ba đối tượng khách, bao gồm du khách nước ngoài, người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội và khách nội địa. Cần phải nghĩ cách chiều khách, với từng đối tượng phải có gói sản phẩm phù hợp. Ngoài ra, việc củng cố bộ phận quản lý nhà nước, bổ sung nhân sự cho các phòng nghiệp vụ và liên kết phát triển du lịch với các tỉnh cũng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng.
Quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến sẽ được công bố trong tháng 9 tới. Bước phát triển mới của du lịch Thủ đô đang chờ những quyết sách đúng đắn từ những người "có tâm và có tầm".