Cuộc chuyển giao nhiều hy vọng
Thế giới - Ngày đăng : 05:51, 26/08/2011
Khó khăn của công cuộc tái thiết sau động đất, sóng thần là một trong nhiều nguyên nhân khiến Nhật Bản phải tìm kiếm nội các mới. |
Dù thông báo này chỉ để xác định một dấu mốc đã được định sẵn trên chính trường Nhật Bản, nhưng đây vẫn là một thời khắc quan trọng với tương lai của nước Nhật. Với tỷ lệ ủng hộ nội các đương nhiệm đột ngột giảm từ 17,1% trong tháng 7-2011 xuống còn 15,8%, mức thấp nhất kể từ khi ông N.Kan nhậm chức (6-2010), chính trị gia 64 tuổi chắc sẽ không còn nhiều tiếc nuối với lựa chọn được tuyên bố từ chức vào hôm nay. Thế nhưng, sự thật này không khiến người ta khỏi lo ngại về số phận mong manh của nội các tiếp theo. Từ chỗ được kỳ vọng sẽ mang đến một thời kỳ ổn định dài lâu hơn cho đất nước Nhật Bản so với những người tiền nhiệm, cuộc khủng hoảng kép động đất và hạt nhân đã nhanh chóng đẩy uy tín của ông N.Kan tuột dốc. Và đây cũng sẽ là áp lực không nhỏ với bất kỳ nội các nào ở xứ Phù tang.
Hiện tại, nội các đương nhiệm đã sẵn sàng từ chức theo yêu cầu của ông N.Kan nhằm dọn đường cho việc thành lập một nội các mới và xứ Hoa anh đào đang chờ đợi vị thủ tướng thứ 95 trong những ngày tới. Đảng Dân chủ Nhật Bản cầm quyền (DPJ) cũng đã thông báo bầu chọn chủ tịch mới vào ngày
29-8, người thắng cử chắc chắn sẽ là tân thủ tướng do DPJ đang chiếm đa số tại Quốc hội. Tóm lại, thời điểm để vị thủ lĩnh mới của nước Nhật ra mắt không còn là mối quan tâm lớn nhất, mà giờ đây, cuộc đua nước rút của những gương mặt quen thuộc trên chính trường vào dinh thủ tướng mới là đề tài nóng bỏng hàng đầu. Đã có những cái tên nặng ký được nhắc đến như Bộ trưởng Thương mại Banri Kaieda, Bộ trưởng Giao thông Sumio Mabuchi... bên cạnh ứng viên được đánh giá tiềm năng nhất là Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda. Tuy nhiên, việc cựu Bộ trưởng Ngoại giao Seiji Maehara quyết định tái xuất chính trường đang khiến con đường của ông Noda không dễ dàng như dự báo.
Thế nhưng, dẫu chiến thắng có thuộc về ai thì vị thủ tướng thứ 6 trong vòng 5 năm ở đảo quốc Mặt trời mọc cũng sẽ không hề có tuần trăng mật chính trị trong bối cảnh con tàu Nhật Bản đang dập dềnh trước những con sóng lớn. Bằng mọi giá, chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy Điện Fukushima số 1, đẩy mạnh các kế hoạch tái thiết vùng Đông bắc bị thiệt hại nặng nề sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3 vừa qua là sẽ bài sát hạch quan trọng mà tân thủ tướng buộc phải đi qua nếu không muốn trả giá bằng sinh mệnh của chính phủ. Vấn đề là, khoản tài chính 15 đến 20 nghìn tỷ yên cho công cuộc khôi phục đất nước sẽ là vô cùng khó khăn khi nợ công của Nhật Bản đã vượt quá 200% GDP. Trông chờ vào xuất khẩu để phục hồi nền kinh tế cũng đã là quân bài lỗi thời khi doanh số xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 7-2011 hạ 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng thuế để bù chi chắc chắn mang đến nhiều rủi ro vì rất dễ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đang gặp khó cũng như làm bùng phát các vấn đề xã hội. Sự kiện Moody's hạ bậc xếp hạng trái phiếu chính phủ Nhật từ Aa2 xuống Aa3 do thâm hụt ngân sách lớn và nợ chính phủ tăng cũng gây khó cho việc huy động tài chính của Tokyo thời gian tới. Do vậy, nhiệm vụ tái thiết với những ngân khoản khổng lồ đang là thử thách lớn nhất đợi chờ nội các mới. Nhưng như thế cũng không có nghĩa những chiếc bẫy khác kém nguy hiểm hơn. Trong đó, việc đồng yên tăng giá quá mạnh, tới 6% so với đồng USD chỉ trong 3 tháng qua đang kéo theo những nguy cơ với nền kinh tế trì trệ của Nhật Bản đã quá cấp bách buộc Tokyo phải nhanh chóng tìm kế sách hạ nhiệt. Kèm theo còn là những tồn tại dai dẳng như an sinh xã hội hay đối phó với tình trạng dân số già.
Sau thảm họa thiên tai mà Thủ tướng N.Kan phải là người chịu trận, nền kinh tế thứ hai châu Á - Thái Bình Dương đã bị che phủ nhiều hơn bởi mây mù của một cuộc khủng hoảng mới. Xua tan bóng đen suy thoái để khẳng định tiếng nói của trụ cột thứ ba trên thế giới là trọng trách mà cả người dân Nhật Bản và thế giới đang đặt niềm tin vào cuộc chuyển giao chính trị đang diễn ra ở xứ Phù tang.