Nên áp dụng vào thời điểm hợp lý
Xe++ - Ngày đăng : 06:49, 25/08/2011
Theo lãnh đạo Cục Viễn thông, nhóm xây dựng đề án cho phép thuê bao di động được chuyển mạng nhưng giữ nguyên số điện thoại có nhiệm vụ nghiên cứu, làm việc và tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài để đưa ra sơ bộ quy định cho chính sách này. Sau đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tham khảo ý kiến các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ di động và lấy ý kiến đóng góp của người dân. Như vậy, Bộ TT-TT có chủ trương thực hiện đề án này và điều này cũng là việc hiện thực hóa xây dựng thị trường viễn thông cạnh tranh. Hơn nữa, đây cũng là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Từ những thông tin trên, dư luận đặt câu hỏi, việc chuyển mạng nhưng vẫn giữ nguyên số thuê bao (giới trong ngành gọi là cuộc "đổi họ, giữ tên") nếu được áp dụng, "ai" sẽ là người được hưởng lợi?
Tại một điểm giao dịch của Mobifone. Ảnh: Thanh Hải |
Hiện nay có 7 DN cung cấp dịch vụ di động đang hoạt động, trong đó 3 "đại gia" chiếm thị phần khống chế là Viettel, Mobifone và Vinaphone (chiếm hơn 90% thị phần). 4 DN còn lại, "người" thì nhập làng di động muộn, "kẻ" thì gặp sai lầm về lựa chọn công nghệ và một số vấn đề khác, nên có ít thuê bao hơn nhiều lần so với các mạng lớn. Gần đây, có một số thông tin phát ra từ nhóm "bộ tứ" kể trên, như Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn mua cổ phần và tham gia điều hành S-Fone, đồng nghĩa với nhà mạng này có thêm vốn; hoặc VimpelCom (Liên bang Nga) - đối tác liên doanh với Gtel rót thêm và thực hiện thay người lãnh đạo Beeline vốn từng thành công trong kinh doanh di động… Nhưng giới chuyên gia nhận định lĩnh vực di động không chỉ là cuộc chơi của nhà giàu vì phải cần nhiều kinh nghiệm và các yếu tố khác. Mặt khác, việc tăng vốn theo như công bố đó cũng không nhiều.
Do vậy, mạng nhỏ khó có thể gây "nguy hiểm" cho 3 nhà mạng lớn. Song nếu đề án chuyển mạng trên được triển khai, rất có thể, câu chuyện về cạnh tranh và thứ hạng trên thị trường viễn thông sẽ được "viết" lại. Vì khi đó nhóm "bộ tứ" rất có thể sẽ có cơ hội thu hút nhiều thuê bao của 3 "đại gia" nếu có ưu đãi hấp dẫn hơn. Ngược lại, các thuê bao của mạng nhỏ cũng có thể chuyển về mạng lớn. Vấn đề ở chỗ, hầu hết các thuê bao của mạng lớn, nhất là thuê bao trả sau Mobifone, Vinaphone được coi là những thuê bao "nhà giàu" và đem lại doanh thu không nhỏ cho mạng lớn - nếu chuyển sang dùng mạng nhỏ sẽ gây thiệt hại kép cho các mạng lớn. Không chỉ có thể mất thuê bao, trong đó có nhiều thuê bao vip, nên cả 3 DN chiếm thị phần khống chế sẽ không mong muốn bộ áp dụng chính sách này.
Đó mới là lý thuyết, thông tin từ các phương tiện truyền thông cho thấy ở một số nước đã thực hiện việc chuyển mạng, chẳng hạn ở Mỹ, người dân không "mặn mà" với việc "đổi họ". Hoặc ở một số quốc gia khác, ban đầu, khách hàng từ các mạng lớn hồ hởi chuyển sang dùng mạng nhỏ để hưởng ưu đãi, nhưng sau đó, thấy khuyến mãi giảm, cả thuê bao mới lẫn cũ từ mạng nhỏ lại "đổ" về mạng lớn. Đại diện Viettel cho rằng, vấn đề chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao gây khó khăn cho DN và thậm chí cả khách hàng khi khó phân biệt được thực chất đây là thuê bao của mạng nào, từ đó có thể có những rắc rối khác khi quản lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thực hiện đề án trên là hay, nhưng cần phải lựa chọn thời điểm thực hiện, nếu không đề án này có thể gây những xáo trộn không có lợi cho thị trường viễn thông.
Thứ nhất, nếu đem áp dụng trong giai đoạn hiện nay là hơi sớm, vì các nhà mạng đang trong giai đoạn đầu tư phát triển hạ tầng, trong đó có việc phát triển hạ tầng và thuê bao 3G, nên việc "đổi họ" chỉ nên diễn ra sau khi DN đầu tư xong hạ tầng, chuyển sang cạnh tranh về chất lượng. Hơn nữa, tuy lượng thuê bao di động cả nước đạt khoảng 110 triệu, nhưng thuê bao thực chỉ chiếm 60-70%, thuê bao 3G thực chất chỉ 3 triệu (công bố là 8 triệu), có nghĩa cơ hội phát triển thuê bao vẫn còn và chia đều cho các nhà mạng. Đó cũng là lý do để Bộ TT-TT cân nhắc. Khi các nhà mạng cùng "vét" nốt thuê bao còn lại, sẽ bước vào giai đoạn cạnh tranh về chăm sóc khách hàng và đó là thời điểm để Bộ áp dụng đề án chuyển mạng giữ nguyên số và đây sẽ là cuộc cạnh tranh sòng phẳng. Khi đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.