Bài 2: Nhân chứng cuối cùng của chuyến tàu không số đầu tiên

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:27, 25/08/2011

(HNM) - Một tháng rưỡi đi theo chiều dài đất nước, tôi vẫn không thể tìm ra người cựu chiến binh nào đã từng tham gia trên chuyến tàu gỗ không số đầu tiên. Có người bảo "trong số họ giờ không ai còn nữa", người lại nói "có thể vẫn còn nhưng không biết ở mô".



Thế rồi, chiều 23-8-2011 (đúng ngày Báo Hànộimới khởi đăng bài đầu tiên về Đường Hồ Chí Minh trên biển), tôi nhận được điện thoại của một người đàn ông lạ. Anh nghẹn ngào nói không thành lời: "Các anh ơi, bố tôi còn sống. Ông là Huỳnh Ba, một trong 6 người tham gia trên chuyến tàu gỗ không số đầu tiên". Nghe hết câu nói, tôi lặng người vì sung sướng. Chỉ kịp hỏi tên tuổi địa chỉ, tôi lên xe vội vã đến gặp người đàn ông nọ…

Vợ chồng ông Huỳnh Ba bên ngôi nhà được Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng.

Ông Huỳnh Ba - nhân chứng cuối cùng

Cơn mưa rào bất chợt khiến giao thông Hà Nội ùn tắc. Tôi cố nhích từng mét, mưa như trút nước mà lòng tôi như có lửa đốt vì mong sớm tìm đến số nhà 2/5/307 phố Bùi Xương Trạch (phường Định Công, quận Hoàng Mai) nơi con ông Huỳnh Ba sinh sống. Người đón tôi là anh Ngô Cường Dũng, con rể của ông. Vẫn chưa hết xúc động, giọng nghẹn ngào, anh Dũng thổ lộ: "Tôi là Tổ trưởng dân phố tổ 17, phường Định Công. Hằng ngày, tôi được cấp Báo Hànộimới để theo dõi tin tức. Buổi trưa xem báo, tôi giật mình thấy bài viết về chuyến tàu không số đầu tiên. Anh biết không, bố vợ tôi là người duy nhất còn sống trên chuyến tàu này. Đọc xong, tôi ngẫm nghĩ hồi lâu và quyết định gọi điện tới tòa soạn, với mong muốn chia sẻ, góp phần cùng Báo Hànộimới tái hiện quá khứ vẻ vang về Đoàn tàu không số, nơi bố tôi đã gắn bó máu xương".

Mừng quá, tôi sốt sắng hỏi:

- Cụ Huỳnh Ba có ở đây không ạ?

Anh Dũng nhìn tôi, chậm rãi:

- Cụ nhà tôi sinh được 2 cô con gái. Cả hai đều đã đi lấy chồng. Phần muốn ở quê nhà, phần vì có đứa cháu ruột mồ côi cha từ nhỏ nên cụ đang sống cùng cháu ở tổ dân phố 40, Nam Ô 3, phường Hoàng Hiệp, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng). Bước sang tuổi 87, cụ giờ đã già yếu lắm, điếc hoàn toàn. Vết thương chiến tranh và những trận đòn tra tấn dã man ở nhà tù Côn Đảo đã khiến bố tôi từ một thanh niên trai tráng, vạm vỡ trở thành người tàn tật suốt đời. Toàn bộ hồ sơ cũng như ký ức về con tàu không số đầu tiên của cụ tôi vẫn giữ ở đây.

Nói rồi, anh Dũng lập cập mở ngăn kéo lấy ra một tập hồ sơ đưa cho tôi xem. Giấy Chứng nhận bị thương do Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Nam- Đà Nẵng lập có ghi: "Từ tháng 1-1960 đến tháng 7-1974, ông Huỳnh Ba bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Bị thương trong trường hợp địch dùng nhiều hình thức tra tấn đánh đập dã man: Dùng gậy đánh vào đầu, dùng điện châm vào lỗ tai, các ngón tay, ngón chân và dương vật, bắt uống nước xà phòng… Kết quả khám thương cho thấy ông Huỳnh Ba là thương binh loại A".

Trong thư gửi các cơ quan chức năng, Thượng tướng Nguyễn Chơn, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng viết: "Khoảng tháng 8-1959, tôi lên căn cứ học Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Lúc đó anh Đào Ngọc Chua, cán bộ Huyện đội trưởng kiêm Bí thư huyện Hòa Vang giới thiệu một số đảng viên ở chi bộ Nam Ô, giao nhiệm vụ ra Bắc vận chuyển vũ khí cho Quân khu 5 bằng đường thủy. Trong số những người ra Bắc có anh Huỳnh Ba. Tháng 10-1959, tôi nhận nhiệm vụ đón và nhận hàng tại Bãi Chuối, có thể nói gian khổ, nguy hiểm chưa từng có. Cuối cùng, tôi không gặp được tàu không số, không gặp anh Huỳnh Ba. Sau 35 năm gặp lại, tôi mới biết tàu của anh Huỳnh Ba bị hỏng tay lái, các anh bị địch bắt nên hàng không vào được Bãi Chuối. Tôi chứng nhận anh Huỳnh Ba là cán bộ đảng viên tốt, trung kiên, trung thành với Đảng với dân, bất chấp khó khăn nguy hiểm khi làm nhiệm vụ".

Đợi tôi xem hết tập hồ sơ, anh Dũng thủng thẳng:

- May quá anh ạ, cuối tháng rồi, Lữ đoàn 125 cùng với Vùng 3 Hải quân, chính quyền địa phương đã tặng bố tôi một căn nhà tình nghĩa trị giá 60 triệu đồng. Cụ phấn khởi lắm.

Hồi ức về chuyến tàu không số đầu tiên

Mắt mờ, tai điếc, ông Huỳnh Ba giờ không thể tự tay viết lại hồi ký về chuyến đi biển đầu tiên, về con tàu định mệnh chở 5 tấn vũ khí dự kiến vào bến Hố Chuối ở chân đèo Hải Vân nhưng bất thành. Với ông, đó là may mắn nhưng cũng là kỷ niệm buồn. Buồn vì con tàu không hoàn thành nhiệm vụ, buồn vì 5 người đồng đội của ông trên con tàu ấy đã vĩnh viễn ra đi. Những lúc rỗi rãi, ông Huỳnh Ba lại nói chuyện với anh con rể và rồi anh Dũng ghi lại như một cách để tri ân.

Tàu của Đoàn 125 vận chuyển hàng chi viện cho chiến trường.

Ngày ấy (tháng 3-1958), khi đang là giao liên giao thông tuyến Đà Nẵng - Nha Trang - Buôn Ma Thuột, ông Huỳnh Ba được điều ra Bắc về Ban Thống nhất Trung ương nhận nhiệm vụ mới. Ngay khi tới Hà Nội, nhóm của ông Huỳnh Ba được giao nhiệm vụ vào Quảng Bình thực hiện chuyến đi biển đầu tiên, vận chuyển vũ khí vào Khu 5. Con thuyền gỗ này được biên chế 6 người, gồm Trung úy Nguyễn Bất, Thuyền trưởng; Thiếu úy Huỳnh Ba cùng 4 đảng viên: Nguyễn Sanh, Huỳnh Sơn, Nguyễn Lữ và Trần Mức. Con tàu ngày đó tuy nhỏ nhưng cũng chứa được 6 tấn hàng gồm: 5 tấn vũ khí, 500kg vải, 400kg nilon và một lô thuốc ký ninh chống sốt rét.

Công tác chuẩn bị hoàn tất thì sáng 30 Tết năm Canh Tý (1960), Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo có đợt gió mùa Đông Bắc lớn tràn về. Đây là cơ hội tốt để tàu ra khơi, Tiểu đoàn 603 quyết định cho chuyến tàu đầu tiên đi ngay trong đêm giao thừa. Tối hôm đó, các đồng chí cán bộ tiểu đoàn Lưu Đức, Hà Văn Xá tổ chức lễ tiễn đưa từng người trong đội thuyền. Cuộc chia tay lặng lẽ nhưng cảm động và có thể coi đây là lễ truy điệu sống đoàn cảm tử quân trên biển. Đúng 18h, con thuyền rẽ sóng, rời cửa biển sông Gianh đi thẳng về hướng Đông Nam. Đêm đầu tiên, thuyền của ông Huỳnh Ba chạy thẳng ra vùng biển quốc tế với ý định sẽ vòng vào chân đèo Hải Vân. Thế nhưng, ngày hôm sau sóng to, biển động, gió giật cấp 7 - 8, thuyền có nguy cơ bị lật. Sáu người say sóng tưởng như muốn chết nhưng vẫn cố chèo chống. Chiếc thuyền lúc này chỉ như một chiếc lá tre mong manh giữa biển khơi bao la. Càng cố chèo, ông Huỳnh Ba càng thấy con thuyền trôi về phía nam. Đến 12h trưa, con thuyền gãy mất một tay lái. Đến ngày thứ 3, thuyền trôi dạt vào Cù lao Ré (tức đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi). Mọi người định cho tàu chạy ngược lên thì tay lái còn lại gãy nốt. Sau 3 ngày sóng gió bão bùng, ngày thứ 4 trời quang mây tạnh cũng là lúc tàu tuần tiễu của địch và tàu đánh cá ra biển Đông. Để bảo đảm giữ bí mật tuyệt đối phương thức vận chuyển trên biển, Thuyền trưởng Nguyễn Bất quyết định phi tang hàng theo phương án đã định. Năm tấn súng đạn, gần một tấn thuốc men, túi nilon lần lượt được thả xuống biển. Người nào người ấy tiếc đến chảy nước mắt nhưng không còn sự lựa chọn nào khác. Vào khoảng 4h30 chiều mùng 4 Tết Canh Tý, cả 6 thủy thủ trên chiếc thuyền đều bị địch bắt. Tuy có giấy tờ làm ăn hợp pháp do tổ chức chuẩn bị và khai rất khớp rằng đi đánh cá bị lạc, song địch vẫn tách ra, giam mỗi người một nơi. Đầu tiên, chúng nhốt các thủy thủ ở đảo Lý Sơn một tuần rồi chuyển ra Đà Nẵng giam hai tháng rưỡi, sau tống vào Nha Cảnh sát rồi đến Nhà tù Chí Hòa, Nhà tù Gia Định, Nhà tù Phú Lợi. Cuối cùng, tháng 1-1960, chúng đày 6 người ra Côn Đảo, nhốt trong chuồng cọp trại 6 - khu B. Trong số 6 người đi trên chuyến tàu không số đầu tiên, 5 người lần lượt hy sinh hoặc chết do bệnh tật, chỉ còn ông Huỳnh Ba sống sót. Bị giam cầm suốt 14 năm với đủ mọi hình thức tra tấn dã man, ông Huỳnh Ba một mực không khai, bảo vệ cách mạng đến cùng. Tháng 7-1974, khi ông đã "thân tàn ma dại" địch mới phóng thích, trả ông về địa phương.

Ngay sau chuyến vượt biển đầu tiên, đưa vũ khí vào Khu 5 thất bại, Quân ủy Trung ương nhận thấy việc dùng thuyền gỗ, chạy bằng buồm, chở vũ khí vào chiến trường cực kỳ khó khăn và nguy hiểm. Chính vì lý do đó, Quân ủy Trung ương quyết định chỉ thị cho Tiểu đoàn 603 tạm ngừng hoạt động để tìm một phương thức vận chuyển mới. Trong lúc chờ đợi, toàn bộ quân số của Tiểu đoàn 603 được điều sang Đoàn 559, dồn sức mở con đường xuyên dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Trong ký ức về những người đồng đội, ông Huỳnh Ba nói rằng: Cái giá của chiến tranh quá lớn. Đường Trường Sơn có rất nhiều nấm mộ vô danh được ấp ủ trong lòng đất Mẹ, còn mồ của chiến sĩ Đoàn tàu không số lại là biển xanh mênh mông.

Tống Ngọc Thanh