Không thể “ngồi chờ” chỉ đạo
Chính trị - Ngày đăng : 06:20, 25/08/2011
Chính quyền cơ sở phải chủ động vào cuộc
Vài năm trở lại đây, ở quận Hoàn Kiếm, trong các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu dân cử các cấp, có chừng 10 cử tri quen thuộc được một số người gọi là "cử tri chuyên nghiệp". Đây là những người vì có tranh chấp nhà ở, đất đai, xây dựng, nên tranh thủ giãi bày, kiến nghị giải quyết tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội. Những kiến nghị của họ cứ lặp đi lặp lại hết cuộc này đến cuộc khác mà không được giải quyết. Ai cũng hiểu rằng, giải quyết những vụ việc này là khó, không chỉ riêng quận Hoàn Kiếm có thể làm được. Chưa kể có những vụ việc không thuộc thẩm quyền của UBND quận, phường. Tuy nhiên, để cử tri kiến nghị đi kiến nghị lại vì chưa được giải quyết, ít nhiều UBND quận phải chịu tiếng là chưa làm tròn bổn phận, trách nhiệm.
Thực tế đúng là như vậy, vì sau khi Chủ tịch UBND TP là đại biểu HĐND TP ứng cử ở quận Hoàn Kiếm trực tiếp chỉ đạo UBND quận phải làm rõ, có phương án giải quyết dứt điểm những vụ việc kéo dài trên địa bàn. Thậm chí những vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết cũng phải làm rõ về trách nhiệm, phối hợp, kiến nghị các cơ quan cùng giải quyết hoặc hướng dẫn bằng văn bản cho công dân của mình cách thức để được giải quyết. Kết quả là sau đó ít lâu, UBND quận đã có văn bản trả lời rành mạch 10 vụ việc kéo dài trên địa bàn, phân định rõ trách nhiệm giải quyết, hướng dẫn công dân các bước tiếp theo để giải quyết... Dù chưa làm hài lòng tất cả, nhưng một văn bản trực tiếp trả lời rõ vấn đề dân sinh bức xúc như vậy đã làm yên lòng dư luận. Việc làm này cũng cho thấy tinh thần trách nhiệm của chính quyền trước bức xúc của người dân.
Việc làm cần thiết như vậy, lẽ ra chính quyền địa phương có thể chủ động thực hiện thay vì… "ngồi chờ" chỉ đạo của cấp trên mới triển khai. Chắc chắn là trên địa bàn rộng lớn của Hà Nội, lãnh đạo TP không thể chỉ đạo cụ thể từng địa phương như trường hợp trên. Vì thế, sự chủ động trong công việc và tinh thần trách nhiệm công vụ của chính quyền cơ sở, địa phương là cực kỳ cần thiết.
Nhận thức rõ trách nhiệm
Nhiều người dân sẵn sàng đón nhận phán quyết rằng "ông, bà đã kiến nghị sai" nếu đủ lý lẽ thuyết phục. Ông Phùng Viễn Xương, ngõ 26, phố Giang Văn Minh (phường Kim Mã, quận Ba Đình) cho biết, 9 hộ dân cùng ngõ 26 này đã nhiều lần kiến nghị chính quyền cấp "sổ đỏ" nhưng chưa được giải quyết. Nguyên nhân được cho là những mảnh đất của các hộ dân này được mua bán trao tay và liên quan trong một vụ án đã được xử cách đây 10 năm. Tuy nhiên, các hộ dân cho rằng, họ là nạn nhân của vụ án, vụ án cũng đã kết thúc, các gia đình đã ở ổn định trên mảnh đất, đã đóng thuế sử dụng đất từ trước năm 1993. Hơn nữa, người dân còn so sánh rằng: Những hộ dân ở bên trái ngõ 26, cũng nằm trên đất nông nghiệp nhưng đã được cấp "sổ đỏ"; một số hộ khác ở trong hoàn cảnh tương tự nhưng "biết quan hệ" vẫn được cấp "sổ đỏ". Vì không có "sổ đỏ", nên 9 hộ dân ngõ 26 này cũng không được nhập hộ khẩu quận Ba Đình. Điều này gây nhiều phiền toái, bức xúc cho họ trong quá trình sinh hoạt. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phùng Viễn Xương, đại diện cho các hộ ở đây nói: "Tôi thấy lạ là đợi mãi quận không vào cuộc. Chúng tôi chỉ cần trả lời rõ là có cấp sổ đỏ cho chúng tôi được hay không, vì sao?". Được biết, UBND phường sở tại đã có công văn đề nghị UBND quận Ba Đình giải quyết, nhưng vẫn chưa có hồi đáp.
Ví dụ này cho thấy, nếu chính quyền không vào cuộc kịp thời, những vụ việc đơn giản hoàn toàn trở thành phức tạp, đặc biệt là gây ra những hiểu lầm, bức xúc không đáng có. Uy tín của chính quyền địa phương cũng bị ảnh hưởng, trách nhiệm công vụ của cán bộ cũng bị đánh giá thấp.
Để khắc phục tình trạng này, điều cần nhất chính là nhận thức của chính quyền địa phương về trách nhiệm công vụ cần phải được nâng cấp, đổi mới. Trước những vấn đề dân sinh bức xúc cần phải tìm hiểu, làm rõ nhanh chóng, không được coi đó không phải là việc của mình. Trên thực tế, nhiều nơi, chính quyền địa phương nghe kiến nghị của dân biết rằng thẩm quyền giải quyết không phải của mình nên "bỏ ngoài tai". Đây là phản ứng thiếu trách nhiệm, vì tuy không phải thuộc thẩm quyền của mình, nhưng dân thuộc địa bàn mình quản lý, dân bức xúc cũng là vấn đề của chính quyền địa phương, cần phải vào cuộc giúp dân giải tỏa bức xúc đó. Cách tư duy về trách nhiệm công vụ cũng cần được đổi mới để chính quyền thực sự gắn bó mật thiết với người dân, tránh thái độ thờ ơ trước những bức xúc của người dân.