Lặng lẽ tiếp sức cho trẻ thiệt thòi

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:14, 25/08/2011

(HNM) - Gần 10 năm nay, nghệ nhân thêu tranh Thái Văn Tặng (55 tuổi) ở Quất Động, Thường Tín đã tình nguyện dạy nghề, tiếp sức cho thanh, thiếu niên khuyết tật, nhiễm chất độc da cam có cuộc sống tự lập.

Rời quân ngũ, ông Tặng về quê xây dựng gia đình, tham gia gìn giữ và phát triển nghề thêu truyền thống của địa phương. Có một mái ấm hạnh phúc cùng người vợ và những đứa con mạnh khỏe, ông không quên những người bạn chiến đấu. Từng sống trong vùng bị rải chất độc hóa học, ông rất thương những người bạn đồng ngũ có con bị khuyết tật do nhiễm chất độc da cam/dioxin. Không được học hành, không có nghề nghiệp, tương lai của các cháu càng khó hơn. Gửi gắm chuyện gia đình cho vợ, ông Tặng tới các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm người khuyết tật, nhận mức lương tượng trưng, cùng ăn, cùng ở để dạy nghề thêu cho thanh, thiếu niên. Chưa qua một trường lớp sư phạm nào, nhưng tình thương và lòng quyết tâm đã giúp ông tiếp cận những trẻ thiệt thòi.

Để thuận lợi hơn cho việc truyền nghề, ông còn học hệ thống ký hiệu ngôn ngữ của người khiếm thính. Dù vậy, giúp những người chưa từng đến trường hiểu được kỹ thuật phối màu, đón tỉa, các gam sáng - tối và sự kết hợp vẫn vô cùng nan giải. Hơn nữa, rất nhiều khái niệm của nghề thêu không có trong hệ thống ngôn ngữ ký hiệu. Tận tình chỉ bảo từng đường kim mũi chỉ, ông kiên nhẫn hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, làm đi làm lại tới khi học viên thuần thục mới thôi. Tình yêu thương, sự bao dung và cảm thông đã tạo sợi dây tình cảm bền chặt giữa ông với những học viên tật nguyền, khích lệ họ cố gắng từng ngày để có cuộc sống ý nghĩa hơn. Dần dần, những học viên khuyết tật đã nắm bắt được kỹ thuật thêu, nhiều người vững vàng với nghề.

Từ Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội, ông Tặng đã giúp hàng trăm cuộc đời khiếm khuyết có cuộc sống ổn định nhờ nghề thêu tranh. Ông Tặng rất tự hào vì nhiều năm liền, học trò của ông đã có tác phẩm đoạt giải trong các cuộc thi tay nghề quốc gia và quốc tế. Tháng 9 tới, Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1988, Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho thanh, thiếu niên khuyết tật Vì ngày mai) sẽ lên đường sang Hàn Quốc dự cuộc thi tay nghề do Tổ chức Công bằng quốc tế tổ chức.

Dù có nhiều thành công trong nghề nghiệp, trong hỗ trợ thanh, thiếu niên khuyết tật, ông Tặng vẫn đau đáu một nỗi buồn, sản phẩm của học trò vẫn rất khó tìm được thị trường. Đầu ra khó khăn khiến cuộc sống của họ không ổn định. Đó là điều với ông thực sự là… "lực bất tòng tâm".

Linh Chi