EVN có thể điều chỉnh giá bán điện tăng trên 5% theo thông số đầu vào cơ bản
Kinh tế - Ngày đăng : 21:08, 24/08/2011
Theo đó, giá bán điện bình quân là giá bán điện bình quân được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán, kiểm tra theo biến động của các thông số đầu vào cơ bản.
Giá bán điện được tính toán kiểm tra hàng tháng trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào cơ bản so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành theo nguyên tắc: Tỷ giá tính toán là tỷ giá đô la Mỹ được tính bình quân theo ngày; Giá nhiên liệu tính toán là giá nhiên liệu bình quân theo ngày.
Trước ngày 20 hàng tháng, căn cứ trên các thông số đầu vào cơ bản thực tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra, tính toán chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản. Trong trường hợp chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản bằng hoặc lớn hơn 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá bán điện bình quân được điều chỉnh theo hai bước. Một là, để điều chỉnh giá bán điện bình quân ở mức 5%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương chấp thuận phương án điều chỉnh giá điện. Trường hợp Bộ Công Thương không có ý kiến, sau 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ tính toán điều chỉnh giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành.
Ở bước 2, để điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng trên 5%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phương án giá điện để thẩm định. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tổ chức thẩm định để Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến trả lời, sau 15 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương trình phương án điều chỉnh giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh giá bán điện bình quân ở mức trên 5%.
Ngoài ra, Quỹ bình ổn giá điện được trích lập khi chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện đã được phân bổ hết. Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá điện theo hướng dẫn của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Sau khi điều chỉnh giá bán điện bình quân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm xác định biểu giá bán điện chi tiết cho các nhóm khách hàng căn cứ vào giá bán điện bình quân điều chỉnh và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo quy định hiện hành.
Mặt khác, trong Thông tư 31 của Bộ Công thương cũng quy định Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) thẩm tra hoặc thẩm định phương án điều chỉnh giá bán điện theo quy định; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện; Hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập kế hoạch sản xuất điện và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật hàng năm; thẩm định, trình Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch sản xuất điện và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Công bố công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện hàng năm.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng có trách nhiệm, trước ngày 1/6 hàng năm, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính báo cáo tài chính kết quả sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán độc lập, giá thành sản xuất kinh doanh điện các khâu và giá bán điện của năm tài chính; Báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kết quả kiểm tra, tính toán giá bán điện bình quân điều chỉnh theo quy định tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2011.