Đầm Hồng chưa hồi sinh lại bị "xẻ thịt"

Đời sống - Ngày đăng : 07:34, 24/08/2011

(HNM) - Sau vụ 1.250m2 đầm Hồng, quận Thanh Xuân bị san lấp trong một đêm (ngày 16-11-2009) tạm lắng xuống, gần đây tình trạng đổ trộm phế thải, lấn chiếm lòng đầm lại tiếp tục tái diễn, khiến tình hình thêm phức tạp…

Đầm Hồng, còn có tên là hồ Khương Trung 1, trong đó 3/4 diện tích của đầm nằm trên địa bàn phường Khương Đình, phần còn lại thuộc phường Khương Trung, quận Thanh Xuân quản lý. Có mặt trên con đường dẫn vào khu vực đầm vào ngày 20-8, chúng tôi nhận thấy, trên mặt đất nhão nhoét còn hằn rõ các vết bánh xe cơ giới. Bên cạnh những diện tích đầm bị san lấp trái phép trước đây chưa xử lý là những đống phế thải xây dựng vừa mới được đổ xuống. Theo ông Đào Anh Tuấn, một người dân sống cạnh đầm Hồng, thì đây là hậu quả của việc chính quyền buông lỏng quản lý, các lái xe đã lợi dụng đêm tối vào đổ trộm; một số hộ gia đình tùy tiện lấn chiếm để cơi nới, xây dựng nhà cửa, các công trình phụ trái phép, thậm chí có người đã bán trao tay cho người khác kiếm lời.

Đầm Hồng tiếp tục bị san lấp, lấn chiếm, trồng cây và xây dựng nhà cửa...


Trong quá trình tìm hiểu thực tế tại đây, chúng tôi còn được biết tình trạng đổ trộm rác và phế thải xây dựng, san lấp trái phép lòng đầm bắt đầu diễn ra từ đầu tháng 2-2011, nhưng không được chính quyền các địa phương ngăn chặn kịp thời. Theo phản ánh của người dân, cứ khoảng 1h sáng hằng ngày, từng đoàn xe cơ giới nối đuôi nhau chạy qua các ngõ 93 và 211 Hoàng Văn Thái vào đầm Hồng đổ trộm phế thải, song chẳng ai dám ngăn cản, vì sợ bị trả thù. Chính vì lẽ đó, số người vi phạm ngày một tăng và lòng đầm ngày càng bị thu hẹp, môi trường sống của người dân quanh khu vực bị ô nhiễm nặng nề.

Được biết, trong bản đồ địa chính năm 1994 đang lưu giữ tại phường Khương Đình, đầm Hồng rộng khoảng 20ha. Tuy nhiên, theo Quyết định 1888 của UBND thành phố Hà Nội ngày 22-4-2009, thì chỉ có gần 12,6ha đất được thu hồi, giao cho Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội cải tạo đầm, nhằm cải thiện môi trường. Phải chăng hơn 8ha mặt nước còn lại đã bị san lấp và số diện tích đó đã được xây dựng nhà ở? Bà Trần Thúy Hương bức xúc: Nếu tình trạng san lấp trái phép đầm Hồng không được ngăn chặn sớm, chẳng bao lâu nữa đầm Hồng sẽ mất đi trên bản đồ địa chính của địa phương…!

Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Nguyễn Sỹ Đoàn, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình lý giải: Ngay sau khi nhận được thông tin tái diễn tình trạng đổ trộm phế thải xuống đầm Hồng, UBND phường Khương Đình đã cắt cử người trông giữ để ngăn chặn các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, do một số đường đi chính vào đầm lại nằm trên địa bàn phường Khương Trung, khiến công tác ngăn chặn, xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Cũng theo ông Đoàn, từ tháng 9-2010 đến tháng 3-2011, chính quyền phường Khương Đình đã bàn giao toàn bộ mặt bằng đầm Hồng cho Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội. Trong biên bản ghi rõ: "Chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp với UBND phường Khương Đình quản lý, chống lấn chiếm khu đất nêu trên". Qua quan sát của chúng tôi, đến nay chủ đầu tư mới quây tôn che chắn được vài trăm mét trên bờ đầm, phía đối diện vẫn còn hiện tượng người dân xả rác, phế thải xuống lòng đầm và trồng chuối, hoa màu, dựng lều lán trên đất lấn chiếm.

Còn ông Phạm Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung khẳng định: Ngõ 211 qua địa bàn phường Khương Trung chỉ từ nhà số 2 đến 60, còn lại vẫn thuộc đất Khương Đình. Chính vì vậy, khi lực lượng công an phường phát hiện các xe ô tô có dấu hiệu vi phạm đổ trộm phế thải, nhưng không thể ngăn chặn, bởi một mặt ngõ 211 không có biển cấm ô tô ra vào. Hơn nữa, không thể tùy tiện sang địa bàn phường Khương Đình để xử lý vi phạm, khi chưa có sự phối hợp. Ông Thanh cũng khẳng định, UBND phường Khương Trung chưa hề nhận được bất kỳ một công văn, hay văn bản chỉ đạo nào của cấp trên yêu cầu phối hợp với phường Khương Đình ngăn chặn, xử lý các vi phạm đổ trộm rác, phế thải tại khu vực đầm Hồng.

Rõ ràng, tình trạng đổ trộm phế thải, san lấp trái phép đầm Hồng đang hết sức nóng bỏng và phức tạp. Để xảy ra tình trạng nêu trên, trách nhiệm trước hết thuộc về UBND phường Khương Đình và Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội. Thiết nghĩ, muốn giải quyết dứt điểm tình trạng này, UBND quận Thanh Xuân cần sớm chỉ đạo Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội, chính quyền phường sở tại tăng cường các biện pháp quản lý số diện tích đất được giao và khẩn trương triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, chỉ đạo các phường có liên quan bố trí lực lượng ứng trực, thường xuyên tuần tra ngăn chặn và phối hợp chặt chẽ với nhau xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Bài, ảnh: Nguyên Hà