Không phải chuyện riêng của một trường
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:36, 24/08/2011
Ngay tại các quận nội thành cũng không phải nhiều trường có được hệ thống nhà vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn như thế này. Ảnh: Linh Tâm |
Khó tiếp cận ngôi trường "nổi tiếng"
Chọn đúng thời điểm giữa trưa ngày thứ sáu 19-8, khi bữa ăn - tức khâu "đầu vào" của học sinh Trường Mầm non Hữu Bằng, huyện Thạch Thất vừa kết thúc, để tìm hiểu ngọn ngành chuyện "đầu ra", nhóm phóng viên vấp phải sự phản ứng mãnh liệt của các cô giáo nơi đây. Dù đã mở được cánh cổng sắt, vào bên trong khuôn viên trường khi người bảo vệ còn bận bù khú ở mãi đâu, nhóm phóng viên đang hý hoáy lôi máy ảnh chụp căn phòng có ghi biển "WC" bé tí tẹo nằm khuất dưới gốc cây cổ thụ, thì một cô giáo hớt hải chạy ra xua tay. Không bắt bẻ được gì khi được chúng tôi trình cả thẻ nhà báo, cả giấy giới thiệu về làm việc, cô giáo này tìm cách xuống nước, mời phóng viên tạm ra khỏi cổng để vào trình lãnh đạo, rồi vội vàng đóng sập cửa, chìa khóa giấu trong tay cũng được lôi ra khóa trái cánh cổng, "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Cô giáo sau đó chạy về phía cuối hành lang, mất hút. Cũng từ lúc đó, chẳng có ai ló mặt ra khoảng sân trường bé tí. Gọi điện cho số điện thoại của nhà trường được in công khai thì đầu dây bên kia một cô giáo không xưng tên nghe máy cho biết là "không được phép phát ngôn" rồi cúp máy. Số điện thoại di động của cô Hiệu trưởng Phạm Thị Hường cũng liên tục tò tí te. Thậm chí cho đến tận 16h30, khi phụ huynh đến đón con về, người bảo vệ vẫn cương quyết không chịu mở cổng chính. Việc đón đưa các cháu Trường Mầm non Hữu Bằng chiều hôm đó được thực hiện kiểu "du kích" bằng lối cửa hậu chạy qua khu nhà nhỏ có chữ WC.
Trong quá trình tìm cách tiếp cận ngôi trường "nổi tiếng" này theo các hướng khác nhau, nhóm phóng viên đã được sự giúp đỡ tận tình của bà con nơi đây. Biết chúng tôi về tìm hiểu chuyện bức bí "đầu ra" của cô trò Trường Mầm non Hữu Bằng, bà Lưu ở xóm Ao Sen đã tình nguyện đưa đường đến tận nơi nguồn nước thải của cả trường tạo thành miệng cống bốc mùi đổ thẳng ra ao làng. Theo bà Lưu, người dân sinh sống ngay phía sau trường mầm non vì không chịu được mùi xú uế tuôn thẳng ra hệ thống thoát nước đã tự đóng góp xây dựng hệ thống tường bao và nắp cống che đậy lại. Cây cổ thụ sau trường án ngữ lối đi vào khu dân cư phía sau cũng được quây lại bằng nhiều tấm nhựa để khách ra vào khỏi trông thấy những hình ảnh phản cảm.
Cổng Trường Hữu Bằng khóa trái khi có sự xuất hiện của phóng viên. |
"Đi" vào túi ni lông là chuyện có thật
Ông Vũ Hữu Tâm, nguyên Bí thư Đảng ủy, Trưởng thôn Ao Sen cho biết: "Không phải người dân chúng tôi không đủ điều kiện xây cho các cháu khu nhà vệ sinh khang trang mà trong nhiều cuộc họp với dân, xã vẫn nói phải chờ quy hoạch hệ thống thoát nước chung của cả làng đang được trên phê duyệt". Còn Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Cát cũng khẳng định: "Xã Hữu Bằng có dân số đông nhất huyện Thạch Thất, 16.000 dân nhưng cả đất thổ cư và đất canh tác chỉ có 178ha. Đất chật, người đông nên xã không biết lấy đâu ra đất để làm trường". Dẫn phóng viên tới khu đất rộng 4.000m2 đã được xã quy hoạch ngay sau trụ sở UBND, ông Cát lý giải, có đất đấy nhưng không đủ tiền để đền bù. Theo ông Cát, mảnh đất sát trụ sở UBND xã Hữu Bằng dự kiến sẽ xây trường mầm non và trường THCS. Còn trường tiểu học sẽ ở cơ sở cũ và cơ sở của trường THCS cũ, hai cơ sở này sẽ được nâng cấp, sửa chữa để đủ điều kiện giúp trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.
Ngày 17-8 vừa qua, Phòng Giáo dục huyện Thạch Thất đã về làm việc với xã, với Trường Mầm non Hữu Bằng về vấn đề cơ sở vật chất. Phòng cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xin vốn. Dự kiến đến năm 2012 sẽ xây dựng ngôi trường mới cho các con. Còn về thực tại, khi đề cập tới vấn đề cơ sở vật chất của trường, Trưởng phòng Giáo dục huyện không khỏi băn khoăn. Trường Mầm non Hữu Bằng có tiền thân từ những nhóm trẻ nhỏ lẻ được thành lập từ những năm 1980. Sau một thời gian chuyển đổi sang dân lập, bán công thì đến năm 2007, trường được chuyển sang công lập. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của trường vẫn chỉ là phòng học tạm, phòng học nhờ. Hiện hai cơ sở của trường có 19 lớp, trong đó chỉ có 1 nhóm lớp nhà trẻ, còn lại là 18 lớp mẫu giáo với 625 học sinh. Về chuyện nhanh chóng giải quyết "đầu ra" cho cô trò nhà trường, ông Nguyễn Văn Cát khẳng định ngay là không thể. Lý do đơn giản cơ sở ở khu đình Vân Chì là mượn tạm của đình, còn cơ sở ở khu chợ Bò trước kia vốn là trại chăn nuôi, được cải tạo thành trường học. Đây là khu vực di tích lịch sử nên không thể tùy tiện xây nhà vệ sinh. Chính vì thế mới có chuyện nhiều giáo viên Trường Mầm non Hữu Bằng mỗi khi có "nhu cầu" phải đi bộ hơn 1km để "nhờ" nhà người quen. Có thể vì xấu hổ mà trường tìm cách không cho phóng viên tiếp cận.
Cuối chiều 19-8, bất ngờ Hiệu trưởng Phạm Thị Hường đã chủ động liên lạc với phóng viên. Qua điện thoại cô Hường bày tỏ, nhà trường cũng có nhà vệ sinh nhưng chỉ phục vụ nhu cầu tiểu tiện. Còn khi đại tiện, các con đi vào bô, rồi các cô đổ vào túi ni lông và đem đi tiêu hủy chứ không phải "đi" trực tiếp vào túi ni lông như dư luận đề cập.
Hệ thống thoát nước "đầu ra" của cô trò Trường Hữu Bằng được thải thẳng xuống ao làng. |
Thực trạng buồn
Đem câu chuyện Trường Mầm non Hữu Bằng trao đổi với Trưởng phòng Giáo dục huyện Thạch Thất là ông Nguyễn Quốc Mạnh thì được biết, vấn đề này huyện cũng đã biết và rất quan tâm khắc phục, tuy nhiên, sự thật về chuyện cô trò đi vào túi ni lông như dư luận phản ánh không hoàn toàn như vậy. Theo ông Mạnh, Trường Mầm non xã Hữu Bằng có hai khu là khu chợ Bò và khu đình Vân Chì. Cả hai khu đều có nhà vệ sinh nhưng chỉ có thể đi tiểu tiện. Còn khi đi đại tiện, trẻ sẽ được đi vào bô. Giải thích cặn kẽ hơn về "quy trình vệ sinh" này, bà Đỗ Thị Thúy Nga, Phó phòng Giáo dục huyện, phụ trách khối mầm non nói: "Đây là quy trình tuân thủ hoàn toàn theo chuẩn của ngành y tế. Các con đi vào bô, sau đó các cô sẽ đổ vào túi ni lông và sẽ có người thu rác đến gom 2-3 lần/ngày mang đi chôn theo hướng dẫn của vệ sinh dịch tễ".
Qua khảo sát thực tế, ở nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội vấn đề "đầu ra" của cô trò chẳng mấy khi được coi trọng. Tại Trường Tiểu học Ngọc Lâm (Long Biên), cũng vì chuyện "đầu ra" mà buổi trưa rất nhiều phụ huynh đội nắng mưa đón các cháu về để các cháu "giải quyết nỗi buồn", xong, lại đưa con em quay lại lớp học. Một phụ huynh xin được giấu tên bộc bạch: "Tôi phải chịu vất vả như vậy vì đơn giản dù giải thích thế nào cháu đều không muốn đi vệ sinh ở trường. Hỏi ra mới biết, các cháu sợ bước chân vào nhà vệ sinh của trường vì quá bẩn". Còn ở một trường tiểu học danh giá thuộc quận Ba Đình, các vị phụ huynh chuẩn bị cho con em vào lớp một đều lo lắng trước chuyện nhà vệ sinh không có giấy. Đem câu hỏi này tới các cô giáo chủ nhiệm mới vỡ lẽ, các cô quản lý giấy vệ sinh, khi con trẻ có nhu cầu các cô mới cho.
Nhà vệ sinh đang thiếu và nhếch nhác, đó là thực trạng của nhiều ngôi trường tại Thủ đô hiện tại. Từ năm 2009, sau một năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, theo cách tính của Sở GD-ĐT Hà Nội, cứ 100 học sinh (HS) có 1 nhà tiêu, 50 HS có 1 nhà tiểu và 60 HS có một vòi nước, vào thời điểm đó toàn thành phố có gần 1.000 trường thiếu các công trình này. Tại khu vực Hà Nội mở rộng, qua khảo sát, vẫn còn khoảng 2-3% số trường trên địa bàn thiếu cả hố tiêu, hố tiểu. Trong danh sách các trường thiếu nhà WC đến mức báo động có Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thạch Thất, Đan Phượng. Tại các địa phương này, có một số trường học "trắng" WC trong nhiều năm nay. Giải thích về chuyện này, một lãnh đạo địa phương cho biết: "Tâm lý người thôn quê còn lạc hậu, không hề biết rằng việc xây dựng nhà vệ sinh sạch sẽ, khang trang là một tiêu chí cần phải có của ngôi trường đạt chuẩn. Thêm vào đó thực trạng phòng học đang còn thiếu trầm trọng, nên chuyện lo cho con em có đủ chỗ học hành đã là rất tốt rồi, nói gì chuyện lo chỗ xây nhà vệ sinh?".
Muốn nuôi, dạy học sinh tốt, trước hết cơ sở vật chất trường lớp phải thật tốt. Nếu nghĩ chuyện vệ sinh của con trẻ chỉ là chuyện nhỏ như một số địa phương hiện nay, đó sẽ là điều đáng buồn, là một sai lầm lớn không thể chấp nhận được trong khi chúng ta đang nỗ lực xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, một Thủ đô hiện đại, văn minh, thanh lịch.