“Bắt rùa” ở chung cư cũ
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:26, 24/08/2011
Hầu hết các công trình này xây dựng từ những năm 1970-1980, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt trong đó có 11 nhà chung cư nguy hiểm cấp D buộc phải nhanh chóng tổ chức di dời, cải tạo, xây dựng lại. Với nhiều công trình khác là các nhà lắp ghép tấm lớn, hiện tại các mối nối đã bị phá hủy, nếu có lực xô ngang (như động đất) rất dễ xảy ra sự cố sập nhà...
Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội (tháng 8-2005) xác định, tới năm 2015, thành phố cơ bản hoàn thành việc cải tạo các khu tập thể, chung cư cũ. Năm 2007, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP về việc cải tạo chung cư cũ, xây dựng mới các khu tập thể. Điều đó cho thấy, sự quan tâm của thành phố về vấn đề này.
Tuy nhiên hiện nay theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, việc cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể, chung cư cũ trên địa bàn thành phố mới chỉ đạt khoảng 1%. Vẫn biết đây là việc khó, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt và quyền lợi của hàng vạn hộ dân, song tiến độ như vậy là quá chậm. Đã có hàng loạt các hội thảo nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập tồn tại, cả về phía quyền lợi của người dân và quyền lợi của nhà đầu tư trong việc xã hội hóa công tác này. Công tác kiểm tra, đôn đốc của lãnh đạo các cấp và các ngành chức năng cũng được đặc biệt coi trọng, song chưa tạo được sự chuyển biến mạnh trong thực tế. Điển hình là 13 dự án không bảo đảm tiến độ. Ví dụ như khu tập thể Nguyễn Công Trứ được khởi động việc cải tạo, xây dựng từ năm 2003, đến nay các dãy nhà đầu tiên là A1, A2 vẫn chưa thể khởi công. Khu Văn Chương từ 10 năm trước đã có quyết định cải tạo nhưng hiện nay dự án vẫn "án binh bất động"...
Tồn tại tình trạng trên nổi lên một số nguyên nhân. Về phía nhà đầu tư, đã xuất hiện hiện tượng giành các dự án này để có thể nhận những ưu đãi ngược lại như một sự "xí phần", chưa chú trọng triển khai thực hiện. Trong đó có cả lý do chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện (đặc biệt là khả năng về vốn). Một số chủ đầu tư lấy lý do cân đối những khoản chi phát sinh (trượt giá đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí nguyên vật liệu...) đã gây sức ép đề nghị được điều chỉnh dự án, nâng độ cao xây dựng để có thêm số lượng căn hộ. Thậm chí xuất hiện cả sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN... Về phía người dân, tất cả đều xoay quanh quyền lợi như đền bù giải phóng mặt bằng, diện tích nhà tái định cư, việc tái định cư tại chỗ, các khoản phí hỗ trợ... Khi mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích không được giải quyết đã dẫn đến việc người dân "đánh đu" với các DN, chủ đầu tư, rồi DN, chủ đầu tư lại gây sức ép với chính quyền, cuối cùng việc cải tạo, xây dựng các khu chung cư cũ rơi vào tình trạng bế tắc.
Hiện nay, thuận lợi lớn nhất là Quy hoạch chung của Thủ đô đã được công bố, do đó không thể còn lý do là chờ quy hoạch để lập dự án cho phù hợp. Mặt khác, cần rà soát lại năng lực của các chủ đầu tư để kiên quyết loại bỏ các DN không đủ điều kiện. Bên cạnh đó, cần ban hành những quy định cụ thể dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành làm căn cứ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, trong đó đặc biệt lưu ý quyền sở hữu đất đai không thuộc về chủ căn hộ mà thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý. Quyền lợi của cộng đồng, của số đông người dân phải đặt lên trên hết, mọi trường hợp cá biệt đều phải được tính toán trên cơ sở lợi ích chung... Chỉ có như vậy mới có thể huy động được sự vào cuộc của các nguồn lực, nhanh chóng xóa sạch các chung cư cũ nát còn lại, không bảo đảm an toàn trên địa bàn thành phố.