Tăng cường kiểm tra, giám sát việc đóng góp tự nguyện trong trường học
Giáo dục - Ngày đăng : 06:19, 24/08/2011
Cuộc làm việc cho thấy, trên thực tế những khoản thu ngoài học phí là cần thiết, nhưng thu như thế nào, với mức bao nhiêu là phù hợp thì chưa có sự thống nhất, chưa có quy định cụ thể. Hiện số lượng trường học của TP lên tới 2.509, Sở chỉ kiểm tra được khoảng 25% số này. Vì vậy, không thể chắc chắn tất cả các cơ sở giáo dục đều thực hiện đúng các hướng dẫn của Sở GD-ĐT về thu chi. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Thị Hồng Nga, quy định của TƯ nên linh hoạt cho phép các khoản thu tự nguyện. Hiện nay có những phụ huynh muốn tặng trường cả phòng vi tính, tặng điều hòa, nhưng các trường không có cơ chế để nhận.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, quan điểm của TP là tăng cường đầu tư cho giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở giáo dục hoạt động chất lượng, hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi của người dân. Năm 2011, TP đã tăng định mức phân bổ ngân sách trên đầu học sinh các cấp học từ 170% đến 245%, xóa xong trên 5.000 phòng học tạm, chuyển hàng trăm trường mầm non bán công sang công lập. TP cũng đang tập trung giải quyết bức xúc việc thiếu trường học mầm non ở các quận nội thành với mục tiêu trong 2 năm tới cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để ngăn chặn các trường hợp thu sai quy định, lạm thu gây bức xúc cho nhân dân.
Thay mặt Đoàn giám sát, ông Trần Thế Vượng cho rằng, để khắc phục tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, việc quy định, hướng dẫn cụ thể kết hợp với kiểm tra, giám sát chặt chẽ của địa phương là hết sức cần thiết. Do còn nhiều ý kiến khác nhau về các khoản thu ngoài học phí của các cơ sở giáo dục nên đòi hỏi các cấp, các ngành phải rà soát, kiểm tra lại các nội dung liên quan để đề ra các giải pháp khắc phục, chấm dứt tình trạng lạm thu, định hướng các khoản thu khác sao cho phù hợp. Ông khẳng định, phải nghiêm túc rà soát, thanh tra thật kỹ lưỡng các khoản thu, đồng thời phải tìm hiểu thật kỹ nhu cầu của người dân trong lĩnh vực giáo dục, từ đó có điều chỉnh chính sách hợp lý, phù hợp với thực tế.