Sức mạnh tinh thần

Chính trị - Ngày đăng : 07:15, 23/08/2011

(HNM) - Suốt thời tuổi trẻ xuân sắc


Cựu TNXP Hà Nội xem lại các hình ảnh một thời thanh niên sôi nổi.  Ảnh: Bá Hoạt

Bà Nguyễn Thị Thục (sinh năm 1949, quê ở thôn Đông Bình, xã Hùng Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội), vào tuyến lửa khi mới 17 tuổi và gắn bó với những địa danh nổi tiếng ác liệt như Tây Quảng Bình, Quảng Trị, Trường Sơn, Khe Tang, ngã ba Dân Chủ, dốc Khỉ, làng Ho... Tuổi trẻ cùng chung chiến hào, sự đồng điệu tâm hồn đã khiến Thục nảy sinh tình cảm với người lính trẻ Đỗ Giang Nam (quê Nam Định, đang là sinh viên năm thứ 3 Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội thì vào bộ đội). Tháng 5-1970, bị thương, phải ra Bắc điều trị, đến cuối năm 1970, Thục nhận được thư của đồng đội báo tin người yêu đã hy sinh. Nỗi đau đã khiến Thục chỉ còn biết dồn sức vào công việc, phấn đấu để xứng đáng với lời hứa năm xưa, trở thành người thủ thư đầy trách nhiệm của thư viện Trường ĐH Giao thông - Vận tải.

Bà Thục tâm sự: Gặp gỡ nhiều người, nhưng bà không thể nào quên được mối tình sâu nặng ấy, ngày ngày, bà thắp hương tưởng nhớ. Hằng năm, đến ngày 5-12, bà lại sắm lễ giỗ ông Nam. Cuộc sống của người phụ nữ đơn thân vô vàn khó khăn. Lương thấp, bà phải lập kế hoạch tích lũy, mua sắm dần từng thứ từ nhỏ đến lớn. Có cuộc sống ổn định trong căn nhà vững chãi, đủ tiện nghi, mỗi khi đau yếu, buồn bã, bà lại tự nhủ mình phải cố gắng vươn lên. Bà cười buồn: "Cùng xuống xe, người ta có chồng con ra đón, mình không có ai đón thì phải tìm một ông xe ôm để họ "đón" mình. Dọc đường, nếu mình xởi lởi thì người ta cũng mở lòng về chuyện làm ăn, sinh sống. Thế là mình cũng thấy ấm lòng". Sống một mình, không ít lần bà phải đối mặt với những cám dỗ, trớ trêu. "Tôi cứ nghĩ mình phải xứng đáng với những năm tháng đã qua, không thể ngáng trở hạnh phúc của người khác, càng không thể đi ngược lại nền nếp gia phong. Mọi sự, cả vui buồn, sướng khổ, đều do mình quyết định". Từ cuộc sống tinh thần cân bằng ấy, bà đã mạnh mẽ vượt qua nhiều sóng gió trong cuộc đời.

Không như bà Thục, bà Mai Thị Thìn (sinh năm 1945, ở số 14, ngõ 21 Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội) chưa từng hẹn hò, thổ lộ với ai. Rời chiến trường khi không còn trẻ, bà quyết định không lấy chồng mà dành phần đời còn lại chăm sóc bố mẹ, các cháu gọi bà là dì, bác, bà. Mắt sáng, tác phong nhanh nhẹn, bà năng động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và luôn là người thành công. Đến nay, bà Thìn có một căn nhà khang trang, nuôi dưỡng, chu cấp cho 5-6 người cháu học hành đến nơi đến chốn. Sống trong sự chăm sóc của gia đình lớn với những người cháu coi bà như mẹ, chưa bao giờ bà thấy buồn chán vì cô đơn.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP TP Hà Nội kiêm Trưởng ban Công tác nữ Dương Thị Vịn cho biết, Hà Nội có gần 400 nữ cựu TNXP đơn thân. Trải qua chiến tranh, nhiều bà yếu sức, cuộc sống khó khăn, nhưng tinh thần xung kích của những người TNXP năm xưa vẫn không hề nhạt phai, giúp họ vượt qua mọi gian khó, tiếp tục cống hiến cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Phát huy truyền thống vẻ vang của TNXP, họ luôn sống lạc quan, vui vẻ, hết lòng chăm lo thế hệ trẻ, trở thành những tấm gương sáng về đạo đức, nghị lực vượt khó vươn lên.

Linh Nhi