Nhìn lại V.League 2011: Niềm tin và nguy cơ

Xã hội - Ngày đăng : 06:48, 23/08/2011

(HNM) - Cuộc đấu đầy kịch tính giữa Sông Lam Nghệ An (SLNA) với Hà Nội T&T, giữa V.Hải Phòng với Hà Nội ACB vào chiều 21-8 được coi như cái kết có hậu dành cho V.League 2011 vốn đầy sóng gió. Tuy nhiên, thật khó nói rằng một - hai trận đấu có thể phản ánh hết những gì diễn ra trong một mùa giải.

SLNA vô địch: Giá trị cũ được khẳng định

Cái kết có hậu dành cho V.League 2011 cũng như cho SLNA chính là chức vô địch của đội bóng xứ Nghệ và phần nào đó là lối chơi sòng phẳng của Hà Nội ACB trong lượt đấu cuối giải, suýt khiến V.Hải Phòng ôm hận xuống hạng. Trong một V.League mà sự chuyên nghiệp và không chuyên vẫn rất gần nhau, nơi tiền thưởng vẫn là động lực chính của nhiều đội bóng, nhiều cầu thủ và là cách giữ lửa cho chính đội bóng của các ông bầu thì sự lên ngôi của SLNA đem lại một cái nhìn khác, tích cực hơn về V.League.

Cách làm bóng đá của SLNA không giống nhiều nơi khác. Ở đó, cầu thủ đa số xuất thân từ hệ thống đào tạo của chính CLB, mang trong mình cái chất lửa hừng hực không lẫn vào đâu cùng một HLV cũng trưởng thành từ lò SLNA. Và quan trọng hơn cả là họ không dùng tiền để khích lệ tinh thần cầu thủ. Ngay cả trước trận đấu cuối với Hà Nội T&T trong khi đội bóng Thủ đô được treo thưởng hàng tỷ đồng thì ở SLNA không có động thái nào liên quan đến tiền bạc. Thay vào đó là sự động viên tinh thần vì quê hương của những người con xứ Nghệ và chẳng cần tiền thì cầu thủ SLNA cũng quyết tâm "đá đến khi không đá được nữa thì mới thôi". Thử nhìn sang nhiều đội khác, nơi quân số đến từ tứ xứ, liệu tiền thưởng không đến tiền tỷ thì có chịu đá không?

SLNA vô địch cũng là lúc các giá trị tưởng như đã cũ được khẳng định. Nếu đội bóng có một hệ thống đào tạo trẻ tốt; có bản sắc, nhất là tính địa phương cùng một chế độ đãi ngộ không quá tệ, lại có những người cầm cương đàng hoàng, biết quản lý, tập hợp, điều hành tốt, và quan trọng là sống vì màu cờ sắc áo thì đội bóng ấy vẫn có thể trụ vững tại V.League. Tất nhiên, không phải đội bóng nào cũng phải giống SLNA thì mới thành công. Hà Nội T&T cũng là điển hình thành công của một cách làm bóng đá với quân mạnh, tướng tài, tiền thưởng như mưa trút. Nhưng Hà Nội T&T chưa qua thử thách, chưa lâm vào cảnh giảm tiền thưởng trầm trọng như V.Hải Phòng trong hầu hết mùa này. Giả sử Hà Nội T&T lâm vào cảnh đó thì có còn giữ được lửa như SLNA?

Trọng tài Võ Minh Trí được đánh giá cao tại V-League 2011. 

Trọng tài: Chất lượng lên, cùng nỗi lo bị "bắn thủng"

Nhiều năm nay, V.League luôn canh cánh nỗi lo trọng tài trẻ, không vững tay như lớp trước nên ảnh hưởng đến chất lượng trận đấu. Nhưng thực tế, năm nay trình độ cầm còi trong những trận cầu khó đã tăng đáng kể. V.League hiện không thiếu trọng tài giỏi như Võ Minh Trí, Võ Quang Vinh, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Trọng Thư... nhưng rõ ràng mùa giải này có không ít "phốt". Trận SLNA - Thanh Hóa trên sân Vinh dậy sóng sau quyết định cho SLNA hưởng quả phạt 11m của trọng tài Ngô Quốc Hưng. Sân Pleiku chứng kiến cú cắt còi thổi phạt 11m của trọng tài số 1 Việt Nam Võ Minh Trí trong phút cuối trận Hoàng Anh Gia Lai - SLNA vì cho rằng Huy Hoàng (SLNA) đã chạm tay vào bóng dù thực tế không phải vậy. Nhưng nghiêm trọng hơn cả là hai trận đấu liên quan đến V.Hải Phòng ở những lượt cuối V.League. Trước đó, lãnh đạo V.Hải Phòng vừa tuyên bố thưởng gần chục tỷ đồng nếu đội nhà thắng 4 trận cuối và trụ hạng. Ngay hai trận đầu tiên của "chiến dịch" đó, tiếng còi của hai trọng tài Trần Công Trọng, Nguyễn Văn Quyết đã khiến người ta kêu giời. Hòa Phát Hà Nội, nạn nhân đầu tiên đã tuyên bố "cạch mặt" trọng tài Trần Công Trọng. Và sau khi xem lại toàn bộ băng hình trận đấu V.Hải Phòng - Hòa Phát Hà Nội, lỗi của trọng tài Trần Công Trọng đã rành rành. Còn ở Bình Dương, trọng tài Nguyễn Văn Quyết bỏ qua pha phạm lỗi mười mươi của hậu vệ V.Hải Phòng - sẽ dẫn đến phạt 11m và có thể ảnh hưởng đến "chiến dịch trụ hạng" của đội bóng đất Cảng. Nhiều sai sót do lỗi nhận định nhưng có những sai sót buộc người ta phải đặt câu hỏi, rằng có phải trọng tài bị "bắn thủng"? Người ta vẫn hỏi nhau dù Trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi từng khẳng định "trọng tài của chúng tôi mặc áo giáp, tiền bắn cũng không thủng".

Trước những hiện tượng ấy, dù công nhận chất lượng trọng tài có những tiến bộ đáng kể nhưng cái tâm của người điều khiển cuộc chơi vẫn khiến người ta gờn gợn!

Mong manh hư - thực

Giá trận nào cũng như SLNA - Hà Nội T&T hay trận Hà Nội ACB đã chắc chắn xuống hạng lại cầm chân V.Hải Phòng 2-2 ở lượt cuối thì có lẽ V.League năm nay không bị khán giả quay lưng.

Nhưng ở V.League mùa này, dường như vẫn còn những trận "nặng mùi ân tình". Ít ai nghĩ Đồng Tháp đang "vào phom" là vậy mà đến khi chắc chắn trụ hạng lại "đá như chơi", mặc các đối thủ đang khát điểm tha hồ vùi dập. Một Khánh Hòa đang chìm cuối bảng đã dễ dàng có điểm trên sân nhà trước nhiều đối thủ sừng sỏ, kể cả Đà Nẵng, để rồi trụ hạng an toàn, xứng danh "vua trụ hạng". Cả Bình Dương cũng vậy. Người ta thấy lạ vì dù đang bị thua 0-1 nhưng họ không "nhảy dựng" lên trước tình huống bỏ qua quả phạt 11m của trọng tài Nguyễn Văn Quyết lúc cuối trận. Những trận cầu bị cho là nặng tình "cứu giúp nhau" dường như vẫn cứ tồn tại, đáng tiếc là những người có trách nhiệm không dám xử lý dù Điều lệ giải đã cho phép họ thực hiện mà không nhất thiết phải có bằng chứng.

Tình trạng trên còn tái diễn thì có ngày V.League mất giá thê thảm, kiểu như nhà chung cư bây giờ vậy. Lúc đầu người ta đổ xô mua nhưng sau thì mua đất riêng tự xây nhà mình cho chắc. Mua nhà do người khác xây có ngày "ăn" vữa trên trần vào đầu, hút khói độc như chơi. Người hâm mộ cũng vậy. Họ cũng không muốn bị "ăn vữa, hút khói độc" từ những trận cầu không trong sạch.

Thùy An