Chân thực và giàu cảm xúc

Văn hóa - Ngày đăng : 06:45, 23/08/2011

(HNM) - Những ngày này, người dân vào thăm Khu Di tích Hồ Chí Minh (Phủ Chủ tịch) có cơ hội thưởng thức một triển lãm tranh đặc biệt, được thực hiện hoàn toàn bằng cát, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng lỗi lạc của dân tộc.

Triển lãm "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - hào khí trăm năm" là lời chúc thọ của những nghệ nhân Công ty tranh cát Ý Lan nhân dịp Đại tướng tròn 100 tuổi (25/8/1911-25/8/2011).

Đại tướng về thăm đồng bào Điện Biên (1994).

Ngưỡng mộ "Người anh cả của quân đội" đã góp công làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm xưa, nghệ nhân Ý Lan đã nuôi dưỡng ý tưởng thực hiện gần 30 bức tranh cát độc đáo về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tranh cát xếp thành hình ngũ giác, mỗi cạnh thể hiện một tiểu chủ đề, từ "Người anh cả của quân đội" đến "Tổng Tư lệnh vĩ đại", "Học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch", "Tài - Đức song toàn", "Nhân - Tâm trọn vẹn". Hội tụ ở chính giữa là ngôi sao vàng trên nền đỏ, tượng trưng cho đất nước Việt Nam, với những bức tranh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Hình ngũ giác gợi liên tưởng về ngũ hành tương sinh, tương khắc, mang ý nghĩa vĩnh cửu. Những người thực hiện số tranh cát có dụng ý rằng, cũng như đất nước Việt Nam trường tồn với thời gian, ký ức của người Việt Nam về Đại tướng và chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ trở nên vĩnh hằng.

Qua triển lãm, người xem dõi theo bước chân Đại tướng nơi trận mạc. Nào "Hành quân qua Phú Thọ - 1949", "Tác chiến tại Đông Khê - Chiến dịch Biên giới 1950", nào thăm "Làng chiến đấu Nguyên Xá - Thái Bình năm 1956"… Những bức tranh cát giúp người xem hình dung rõ hơn công việc của vị tướng mưu lược, tài trí hơn người trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt là bức "Đại tướng nghe báo cáo tình hình chiến sự Điện Biên Phủ - 1954", "Đại tướng quan sát chiến trường tại sở chỉ huy Mường Phăng - 1954"… Những lần "Người anh cả" đến động viên chiến sĩ phòng không, công nhân vận tải hay thăm gia đình người có công với cách mạng… được diễn tả tỉ mỉ qua những hạt cát bé xíu, giản dị mà giàu cảm xúc.

Để hoàn thành bộ tranh này, nghệ nhân Ý Lan đã dành nhiều ngày đến Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn, người thân, những người có thời gian công tác gần với Đại tướng để cân nhắc, chọn lựa từng bức ảnh tiêu biểu, phù hợp với chủ đề triển lãm. Chọn ảnh đã khó, nhưng "chuyển thể" chúng thành tranh cát còn khó khăn hơn rất nhiều. Từ những bức ảnh khổ nhỏ, nhiều bức đã mờ nhạt qua thời gian, có khi không còn nguyên vẹn chi tiết, nghệ nhân Ý Lan và ba đồng nghiệp - học trò đã miệt mài hơn hai tháng trời để "phóng" to thành tranh cát. Có thể nói, mọi ưu điểm của nghệ thuật nhiếp ảnh đã được đưa vào tranh cát và mọi ưu điểm của hội họa cũng có ở đây. Nghệ nhân Ý Lan nói: "Mỗi bức tranh cần cả quá trình sáng tạo, không thể áp dụng xúc cảm của bức tranh này cho bức tranh khác, nhất là tranh chân dung. Cái khó nhất khi thực hiện bộ tranh này là làm sao toát nên thần thái của vị tướng tài ba mà không mất đi sự gần gũi, bình dị vốn có của ông". Thành quả sáng tạo bù đắp nỗi vất vả của nhóm nghệ nhân tranh cát, nhất là khi nghe Đại tá Nguyễn Huyên, thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trầm trồ khi thăm triển lãm: "Tưởng như xem ảnh chứ không phải tranh. Mà là tranh thật, giỏi thật!".

Có lẽ không cần nói nhiều về tài năng của nghệ nhân Ý Lan, người đã hơn chục năm theo đuổi môn nghệ thuật do chính mình sáng tạo ra để có được thành công như hiện nay. Chỉ cần xem triển lãm, nơi có sự cộng hưởng của hai điều hấp dẫn là hình ảnh vị tướng tài ba của dân tộc và môn nghệ thuật dựa trên những hạt cát...

Yên Nga