Tăng tính minh bạch, thúc đẩy cạnh tranh
Đời sống - Ngày đăng : 06:41, 23/08/2011
Mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI) đã phối hợp xây dựng chương trình Cải thiện chất lượng chính sách (PERQ). Đây được coi là công cụ hỗ trợ các cơ quan quản lý nhằm giảm gánh nặng chi phí và nâng cao tính cạnh tranh.
Văn bản quy phạm tăng đột biến
Hoạt động tại bộ phận một cửa liên thông Sở Kế hoạch Đầu tư, Cục Thuế, Công an thành phố. Ảnh: Linh Tâm
Theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2010-2011, thứ hạng của Việt Nam đứng ở vị trí 59/139 quốc gia. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương: Kết quả này chủ yếu là do doanh nghiệp (DN) Việt Nam có khả năng thích ứng với trình độ phát triển cao và do các thay đổi trong môi trường kinh tế toàn cầu chứ không phải do môi trường cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện. Báo cáo GCI năm 2010-2011 đã cho thấy gánh nặng quy định, tính hiệu quả của hệ thống pháp luật và tính minh bạch của công tác hoạch định chính sách của Việt Nam đều tụt giảm so với năm 2009 (gánh nặng quy định của Chính phủ tụt 14 hạng; hiệu quả của hệ thống pháp luật trong giải quyết tranh chấp tụt 12 hạng; tính minh bạch của công tác hoạch định chính sách tụt 20 hạng). Kể từ năm 2005 đến nay, số lượng các quy định do cơ quan TƯ ban hành có tác động tới DN đã tăng mạnh. Trong giai đoạn 2005-2008, trung bình mỗi năm có khoảng 860 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và gần 2.560 văn bản không mang tính quy phạm (công văn, thông báo, chỉ thị) được ban hành; năm 2009, lại đột biến với 1.500 VBQPPL và 5.467 quy định không mang tính quy phạm. Theo các chuyên gia, số lượng quy định quá lớn thể hiện chất lượng thấp và mang tính không chắc chắn, sẽ tạo ra chi phí không cần thiết cho người dân và DN, tạo cơ hội cho hành vi sách nhiễu. Do đó, cải thiện chất lượng chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh là việc làm cần thiết, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thu hút đầu tư.
Không chỉ đổi mới quy trình
Việc nâng cao tính hiệu quả trong công tác soạn thảo và ban hành quy định, chính sách là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Việt Nam cũng đang thực hiện một số cải cách về quy trình xây dựng luật pháp và nâng cao trách nhiệm giải trình theo hướng minh bạch, công khai và dân chủ hơn. Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) cho rằng: "Chính phủ cần tập trung xây dựng một bộ công cụ phục vụ cho việc đánh giá tác động của chính sách và rà soát các chính sách, loại bỏ những chính sách không còn phù hợp đang gây khó khăn cho người dân và DN, chỉ duy trì những chính sách thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và với chi phí tuân thủ thấp". Ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh: Chúng ta cần phải đổi mới quy trình ban hành chính sách. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì tình trạng tất cả cùng ngồi để dự thảo một văn bản, sau đó trình lên cấp có thẩm quyền, nếu phải làm lại thì chắc chắn nguồn lực xã hội phải bỏ ra rất nhiều.
Nhằm tiếp sức cho Đề án 30 và hỗ trợ Quốc hội, các cơ quan Chính phủ thực hiện công tác xây dựng pháp luật tốt hơn, Chương trình PERQ đã chính thức khởi động từ ngày 11-8-2011. Chương trình PERQ tập trung cải thiện chất lượng thể chế liên quan đến kinh doanh ở Việt Nam, thông qua việc cung cấp cho các cơ quan nhà nước, Quốc hội, DN và người dân nguồn lực cần thiết để thực hiện công tác phân tích, cải thiện chất lượng chính sách và văn bản pháp luật, loại bỏ các quy định tạo thêm gánh nặng, chi phí không cần thiết cản trở sự đổi mới và kìm hãm cạnh tranh của xã hội.
TS. Nguyễn Đình Cung cho biết: "PERQ sẽ đóng góp đáng kể vào việc bảo đảm một môi trường minh bạch, có giải trình rõ ràng tại Việt Nam - một yếu tố cần thiết thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và thu hút đầu tư vào Việt Nam trong tương lai". Bên cạnh đó, PERQ sẽ hỗ trợ thúc đẩy thực hiện đánh giá tác động pháp luật (RIA). Theo đó tính khả thi và tính hiệu quả của dự thảo văn bản pháp luật được đánh giá phân tích một cách khoa học, chặt chẽ trước khi được phê duyệt và đưa vào thực hiện. PERQ sẽ tạo điều kiện cho người dân và DN tham gia tích cực, hiệu quả hơn vào quá trình cải thiện môi trường thể chế ở Việt Nam thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, tổ chức chương trình Đại sứ PERQ dành cho tình nguyện viên có mong muốn học hỏi và phổ biến các thực tiễn xây dựng chính sách tốt, hỗ trợ và đề xuất xây dựng pháp luật cụ thể thông qua công cụ RIA, cung cấp đánh giá các tác động pháp luật. Trong tương lai, cổng thông tin điện tử của PERQ tại địa chỉ: www.perq.vn sẽ là nơi các bên liên quan có thể đóng góp ý kiến cho dự thảo văn bản pháp luật.
Hy vọng rằng, công cụ mới này sẽ "tiếp sức" cho việc cải thiện chính sách tại Việt Nam, giúp tăng cường tính minh bạch, giảm nhẹ gánh nặng cho người dân và DN, thúc đẩy cạnh tranh của nền kinh tế và thu hút đầu tư vào Việt Nam.
PERQ được xây dựng với sự hỗ trợ của Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ), Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hội Luật gia Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham), Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD).