Khó xử vì tiêm phòng rubella mới biết có bầu

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:21, 22/08/2011

Tiêm văcxin phòng rubella được mấy tuần thì chị Kiều Mai (Hà Nội) biết có bầu. Không biết xử lý thế nào, chị đành đến viện khám nhưng mỗi bác lại tư vấn một kiểu, người thì khuyên bỏ vì sợ trẻ sinh ra bị dị tật, chỗ khác thì lại bảo giữ lại.


Nếu dự định có bầu, chị em nên tiêm văcxin ngừa rubella
trước tối thiểu một tháng. Ảnh minh họa: Centralasia

Nghe nói có mấy chị cùng cơ quan đã phải bỏ thai vì nhiễm rubella trong 3 tháng đầu, chị Mai cũng thấy lo. Vì thế, chị quyết định đi tiêm phòng trước để nhỡ có mắc khi mang thai cũng không phải sợ. Điều chị không ngờ là vừa tiêm văcxin được mấy ngày thì chị biết mình dính bầu.

"Lúc tiêm, mấy chị y tá đã dặn kỹ là phải kiêng ít nhất một tháng mới được có bầu, nếu không thì con sinh ra sẽ dễ bị dị tật. Thế mà đùng một cái mình lại có bầu. Hoảng quá, không biết xử lý thế nào đành đến bệnh viện", chị Mai chia sẻ.

Dù vậy, chị vẫn không biết mình nên làm gì vì mỗi bác sĩ tư vấn một kiểu. Đi bệnh viện này thì bác sĩ bảo là nên bỏ vì như thế có khác nào mắc bệnh trong 3 tháng đầu mang thai, chỗ kia lại bảo không sao, cứ để lại.

Phó giáo sư Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh cho biết, một ngày sau kỳ kinh cuối cùng, bệnh nhân Kiều Mai đã tiêm phòng. Đến lúc hội chẩn thai được 12 tuần thế nhưng kết quả siêu âm lại chỉ tương ứng với thai 8 tuần. Thai có biểu hiện kém phát triển. Trường hợp này, các bác sĩ tư vấn nguy cơ, rủi ro, còn quyết định như thế nào là tùy thuộc vào gia đình bệnh nhân.

Dịch rubella bùng phát từ đầu năm và đạt đỉnh điểm vào tháng 5 khiến các bác sĩ đau đầu việc giữ hay bỏ thai vì số lượng thai phụ mắc lớn. Nhưng khi dịch tạm lắng thì lại nổi cộm chuyện chị em tiêm phòng khi mang thai trong tháng đầu.

Những trường hợp như chị Kiều Mai ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương không phải là hiếm gặp. Cùng tuần với chị, các bác sĩ đã phải hội chẩn cho một số thai phụ khác ở Nghệ An, Phú Thọ, Hà Nội... Trong đó, trường hợp nào nhỏ thì thai được 7 tuần, còn lớn hơn là 18 tuần.

"Cũng vì sợ con sinh ra bị dị tật nếu không may nhiễm rubella khi có thai mà nhiều chị em quyết định đi tiêm phòng. Thế nhưng sau đó, không ít trường hợp đã phải tìm đến bệnh viện để tư vấn vì tiêm xong mới biết có bầu, có trường mang thai trong một tháng đầu sau tiêm. Không ít gia đình đã chọn giải pháp an toàn là phá thai", phó giáo sư Tuấn nói.

Tiêm văcxin nghĩa là tiêm một liều lượng virus vào cơ thể, để từ đó cơ thể tự sinh ra kháng thể. Với văcxin phòng rubella, các bác sĩ thường khuyến cáo sau tiêm 2-3 tháng, tối thiểu là sau 1 tháng chị em mới nên có thai, khi đấy cơ thể đã sản sinh ra kháng thể.

Theo phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, về nguyên tắc, phụ nữ mang thai không nên tiêm văcxin rubella. Lý do là về lý thuyết, văcxin rubella là văcxin sống, đã giảm độc lực nhưng vẫn có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, như dẫn đến dị dạng bẩm sinh giống như nhiễm virus rubella.

"Tuy nhiên, trên thực tế người ta không có bằng chứng về vấn đề này. Qua theo dõi 1.000 bà bầu - đã tiêm văcxin rubella trong thời kỳ đầu mang thai mà không biết mình có thai - cho thấy không ai sinh con bị dị dạng bẩm sinh", phó giáo sư Hiển nhấn mạnh.

Vì thế, theo ông, không có chỉ định nạo phá thai trong trường hợp đã tiêm khi mang thai ở tháng đầu. Chị em cần đi khám thai thường xuyên để được tư vấn và chăm sóc thai tốt hơn.

"Dù thế, chúng tôi vẫn khuyên nên tiêm văcxin rubella 1 tháng trước khi có dự định mang thai. Văcxin rubella là an toàn và có hiệu quả phòng bệnh cao. 95-100% phát triển kháng thể sau 3-4 tuần sau khi tiêm, 95% người được tiêm vẫn còn kháng thể sau 15 năm", phó giáo sư Hiển khuyến cáo.

Rubella hay còn gọi là bệnh sởi Đức, ở người bình thường thì không nghiêm trọng, thường không để lại biến chứng. Biểu hiện bên ngoài gần giống sởi: sốt cao, nổi hạch, phát ban (từ mặt xuống đến ngực, tay, chân, khi xuống đến chân là ban ở mặt bắt đầu bay). Bệnh chỉ nguy hiểm với thai phụ vì dễ gây dị tật thai nhi. Nếu thai phụ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thì khả năng trẻ chào đời nhiễm Hội chứng rubella bẩm sinh (với các dị tật như: mù, điếc, chậm phát triển, tim bẩm sinh…) rất lớn.

Trong thời gian qua, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng có 28 trẻ sinh ra bị hội chứng rubella bẩm sinh, 4 trường hợp tử vong. Trong số này, phần lớn nặng dưới 2,4 kg, suy dinh dưỡng bào thai, cạn ối, thiếu máu...

Nam Phương