Dòng vốn “ngoại” đang hồi phục

Kinh tế - Ngày đăng : 07:28, 22/08/2011

(HNM) - Thay vì tình trạng trầm lắng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) diễn ra gần như suốt 6 tháng đầu năm nay, thì trong tháng 7 vấn đề này đã bất ngờ được cải thiện, bước đầu làm sáng lên một phần bức tranh ĐTNN.


Vốn mới và giải ngân tăng mạnh


Lắp ráp linh kiện, phụ tùng ô tô tại Công ty Honda Việt Nam.  Ảnh: GIA BẢO

Trong tháng 7, cả nước thu hút thêm 49 dự án ĐTNN, tuy ít về số lượng, nhưng tổng vốn đăng ký lại lên tới 3,23 tỷ USD. Đây là số vốn rất lớn, tương đương mức vốn trung bình của vài tháng cộng lại và cũng hiếm hoi vì hầu như chưa xuất hiện trong hai năm gần đây. Tính chung, 7 tháng đầu năm nay, cả nước thu hút thêm 651 dự án ĐTNN đăng ký mới và xin điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với tổng số hơn 9 tỷ USD. Kết quả trên cho thấy, lượng vốn ĐTNN đã được cải thiện nhờ số vốn mới thu hút được trong tháng 7 và có tác dụng bổ sung nguồn ngoại tệ, hứa hẹn cải thiện cán cân thanh toán quốc gia trong những tháng tới. Đặc biệt, đã xuất hiện một số dự án ĐTNN mới, có quy mô khá lớn, thuộc lĩnh vực chế tạo, chế biến. Đó là dự án của Tập đoàn Hyundai Motor (Hàn Quốc) và Công ty CP Ô tô Trường Hải hợp tác sản xuất động cơ của Tập đoàn Hyundai tại khu kinh tế mở Chu Lai, với công suất 100.000 động cơ các loại/năm, trong đó giai đoạn 1 có quy mô 25.000 động cơ/năm, với số vốn đầu tư 165 triệu USD. Tương tự, hãng Honda cũng đầu tư 120 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất xe máy trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Đây là những động thái tích cực, có ý nghĩa xã hội, bởi nó sẽ đóng góp đáng kể vào việc tạo nguồn thu và việc làm ở địa phương.

Mức giải ngân vốn ĐTNN tháng 7 đạt khoảng 1 tỷ USD, cũng là mức cao so với các tháng trước. Diễn biến này đã phá vỡ xu hướng giảm về kết quả giải ngân, đang là mối quan ngại của các cơ quan quản lý và các địa phương tập trung nhiều dự án ĐTNN. Như vậy, tính chung 7 tháng đầu năm 2011, kết quả giải ngân vốn ĐTNN đạt 6,3 tỷ USD, chỉ thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 1,6%, cho thấy đà tăng tốc trong giải ngân của các nhà ĐTNN và hé lộ khả năng giải ngân nguồn vốn này trong vài tháng tới sẽ nhanh chóng vượt mức thực hiện so cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, kết quả xuất khẩu của khối doanh nghiệp ĐTNN 7 tháng qua vẫn duy trì tốt, với kim ngạch (kể cả dầu thô) đạt 27,82 tỷ USD, tăng tới 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, khối này đã xuất siêu khoảng 2,4 tỷ USD.

Hy vọng dòng vốn "ngoại" sẽ "chảy" mạnh hơn

Tuy nhiên, hiện có 2 luồng nhận định trái chiều và cũng e dè khi dự báo về hoạt động thu hút vốn ĐTNN trong tương lai gần. Trước hết, ĐTNN ở Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục và có thể "ấm" lên, với tốc độ cao hơn trong thời gian tới khi nhu cầu và thị trường quốc tế ổn định, cộng đồng nhà đầu tư thực hiện chiến lược dịch chuyển khu vực đầu tư, tái cơ cấu nguồn vốn và điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, có ý kiến cho rằng ĐTNN chưa thể khởi sắc sớm, bởi nền kinh tế Việt Nam đang bộc lộ những yếu kém nội tại, là hệ quả tổng hợp của một loạt vấn đề. Đó là ảnh hưởng nặng nề của nạn lạm phát, nợ công, chính sách thắt chặt tín dụng và đầu tư, sự thu hẹp về quy mô sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bản thân các nhà ĐTNN cũng đang phải đối phó, giải quyết những hạn chế của mình trong bối cảnh đời sống kinh tế thế giới chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ.

Một số chuyên gia dự báo, tình hình thu hút vốn ĐTNN đang rơi vào điểm "võng" và khó có thể xuất hiện sự đột phá mới. Tuy nhiên, với sự cải thiện liên tục về môi trường đầu tư kinh doanh kết hợp hoạt động xúc tiến đầu tư có bài bản, tập trung vào những đối tác mạnh, công bố rõ ràng về quy hoạch và lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, Việt Nam vẫn có thể hy vọng thu hút thêm nguồn vốn ngoại ở mức khả quan trong những tháng tới. Mặt khác, cũng cần xác định rõ tinh thần kiên định mục tiêu trong giai đoạn mới là thu hút ĐTNN có chọn lọc, tạo điều kiện để gọi dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa rộng và cho ra đời sản phẩm công nghệ tiên tiến, đạt giá trị gia tăng cao của các tập đoàn lớn, đa quốc gia. Đặc biệt, Việt Nam đang trông đợi vào nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản thông qua việc tiếp tục thực hiện nội dung của "Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản", mà trong đó hoạt động đầu tư và tiếp nhận đầu tư là mục tiêu ưu tiên, tập trung triển khai của Chính phủ và của doanh nghiệp hai nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhà đầu tư Nhật Bản vẫn khẳng định sẽ quan tâm, mở rộng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, phân phối bán lẻ và chế tạo cơ khí ở Việt Nam, xác định Việt Nam là địa bàn thiết lập cơ sở sản xuất trong chiến lược dài hạn...

Hồng Sơn