Khó về vốn, vướng về cơ chế
Kinh tế - Ngày đăng : 07:21, 22/08/2011
Trạm cung cấp nước sạch ở thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) chỉ hoạt động nhỏ giọt với 1/4 công suất thiết kế. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN
Càng làm, càng lỗ...
Đó là một nghịch lý với các DN cấp nước của Hà Nội hiện nay, bởi đầu tư cho xây dựng nhà máy, phát triển mạng lưới đường ống cấp nước, qua đó mở rộng đối tượng người dân, nhất là các vùng ngoại thành được sử dụng nước sạch là yêu cầu cấp bách và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Công ty Nước sạch Hà Nội (NSHN) đang triển khai dự án đầu tư cải tạo và xây mới 2 nhà máy nước là Nhà máy nước Gia Lâm 2, nâng công suất từ 30.000m3 lên 60.000m3/ngày-đêm (ng-đ) và dự án xây dựng nhà máy nước Yên Viên công suất 10.000m3/ng-đ. Trong đó, tổng mức đầu tư cho nhà máy nước Gia Lâm 2 trên 354 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn tự có của công ty là 87 tỷ đồng, ngân sách TP cấp cho 61 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ cho việc chuẩn bị đầu tư, phần lớn còn lại khoảng 207 tỷ đồng công ty phải đi vay của Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam, với khế ước vay là 10 năm và lãi suất là 9%. Với Nhà máy nước Yên Viên có tổng mức đầu tư khoảng 247 tỷ đồng, ngoài hơn 3 tỷ đồng ngân sách TP cấp, Công ty NSHN sẽ phải vay ngân hàng toàn bộ số tiền còn lại.
Đầu tư cấp nước ra ngoại thành chi lớn mà hiệu quả không cao. Trong nội thành đầu tư đường ống ngắn do nhà dân sát nhau, việc dùng nước cũng nhiều hơn ngoại thành. Trong khi đó, khu vực ngoại thành đầu tư đường ống nhiều hơn, nhưng người dùng nước ít hơn. Đại diện một số xí nghiệp kinh doanh NSHN trực thuộc Công ty NSHN cho biết, vừa qua nhiều khu vực dân cư thuộc các quận Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm đã được đầu tư hệ thống cấp nước sạch. Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở các khu vực này vẫn dùng nước giếng khoan hoặc nước mưa tích trữ ở bể ngầm, nên đồng hồ thực tế mỗi tháng chưa đến 1m3 nước sử dụng. Theo ông Bạch Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch Viwaco (Viwaco), đơn vị khai thác nguồn nước mặt sông Đà phục vụ địa bàn phía Tây Nam Thủ đô, hơn 2 năm tiếp nhận địa bàn (quận Thanh Xuân và một số khu vực lân cận), công ty phải đầu tư bằng vốn tự có mà không hề có sự hỗ trợ ngân sách để cải tạo đường ống, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng địa bàn phục vụ. Cơ chế hiện nay cũng chưa cho phép công ty cổ phần được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Dù có thêm 17.000 hộ dân được sử dụng nước sạch, nhưng đổi lại công ty lỗ 36 tỷ đồng. Dự kiến, trong năm 2011-2012, nếu tiếp tục đầu tư thêm cho các dự án cấp nước, công ty sẽ lỗ thêm khoảng 40 tỷ đồng nữa.
Cần cơ chế hỗ trợ
Bảo đảm phục vụ nhu cầu dân sinh là nhiệm vụ TP giao không thể không làm, trong khi đó, giá nước sạch là do TP quy định trên nguyên tắc đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân. Theo Nghị định 117/CP của Chính phủ, các DN cấp nước phải đầu tư toàn bộ đến đồng hồ cho người dân. Tuy nhiên, với quy định về giá nước như hiện nay, việc tự cân đối được thu chi từ doanh thu bán nước đối với các DN cấp nước là việc rất khó khăn. Đó là lý do khiến cho chủ trương xã hội hóa lĩnh vực cấp nước chưa thể hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia.
Một số ý kiến cho rằng, TP Hà Nội đặt mục tiêu trong 5 năm tới phấn đấu 100% dân số đô thị và khoảng 50% dân số các huyện ngoại thành được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của TP. Mục tiêu này sẽ khó khả thi nếu các cơ quan chức năng không sớm điều chỉnh về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là về vấn đề nguồn vốn. Ông Nguyễn Như Hải, Tổng giám đốc Công ty NSHN khẳng định, việc vay vốn ngân hàng để đầu tư cho lĩnh vực cấp nước, nếu chỉ trông chờ vào doanh thu bán nước, mà không có sự hỗ trợ của nguồn vốn ngân sách hay không có cơ chế, chính sách ưu tiên cho lĩnh vực này thì các DN cấp nước sẽ gặp khó. Ông Bạch Văn Cường, Phó giám đốc Công ty Viwaco kiến nghị, để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án cấp nước cho dân, TP nên xem xét có thể ứng vốn cho DN vay sau đó hoàn trả dần. Nếu phải vay vốn thì nên kéo dài thời hạn hoàn vốn. Hoặc TP đầu tư nhà máy và đường trục cấp nước chính, DN chỉ phải lo đầu tư đường ống dịch vụ cấp nước vào nhà cho dân...