Đọng mãi miền ký ức

Văn hóa - Ngày đăng : 06:59, 22/08/2011

(HNM) - Họa sĩ Vũ Giáng Hương, nguyên Chủ tịch UB toàn quốc Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, người con gái của Vũ gia trang đã ra đi vào đêm 19-8, ở tuổi 82.


Họa sĩ Vũ Giáng Hương. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ấp Thái Hà, nơi có Vũ gia trang xanh tươi cây lá, ấm áp tình mẹ cha hòa trong bầu không khí bạn bè của gia đình gồm các văn sĩ, trí thức là nơi họa sĩ Vũ Giáng Hương sinh ra (1930). Bà đã may mắn thừa hưởng những phẩm chất quý giá từ người cha là nhà văn Vũ Ngọc Phan và người mẹ là nữ sĩ Hằng Phương. Nhưng bà cũng là một họa sĩ trưởng thành trong những năm tháng chiến tranh với "những điều may mắn mà ai cũng biết và nhiều đau khổ mà không ai biết".

Trách nhiệm xã hội phải trải qua nhiều vị trí công tác như giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Phó Tổng Thư ký rồi Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UB toàn quốc Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, nhưng trên hết bà là một họa sĩ, một người vợ, người mẹ, người bà. Phần nào ký ức ấy được tái hiện trong cuốn sách cuối cùng "Tình yêu và nghệ thuật", mà chủ yếu cũng là ký ức về người thân, đặc biệt là người chồng yêu quý của bà: Giáo sư, bác sĩ Lê Cao Đài.

Đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT, để lại nhiều tác phẩm tranh lụa, tranh khắc gỗ đen trắng, in màu… khắc họa một thời kỳ máu lửa của đất nước dưới góc nhìn rất đỗi điềm đạm, trong sáng như "Cầu Hàm Rồng" (khắc gỗ màu), "Bến phà đêm" (khắc gỗ), "Hành quân qua Trường Sơn" (lụa)… nhưng hết thảy bà vẫn là một người thầy nghiêm túc, bao dung. Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhớ lại: "Mùa đông năm 1979-1980, vừa đói lại vừa rét, nhiều sinh viên đã bẻ giường để nấu ăn và sưởi. Bà đã gọi Ban chấp hành Đoàn trường chúng tôi lên họp, rồi không kỷ luật ai cả và mở một chỗ cho nấu nướng tự do tại nhà bếp, cho phép sinh viên lấy chất đốt không mất tiền. Kết quả, chẳng ai lấy gì, cũng không bẻ giường nữa". Họa sĩ Phan Cẩm Thượng còn có một nhận định chân tình: "Hơn nửa thế kỷ là họa sĩ, nhưng bà có rất ít thời gian để vẽ. Hình như nghệ thuật phân công bà chăm lo cho những nghệ sĩ khác và chỉ được dành cho mình rất ít cái riêng". Và "nếu dành nhiều thời gian cho khắc gỗ có lẽ bà là họa sĩ trứ danh trong lĩnh vực này".

Bây giờ thì bà gửi lại hết cuộc đời, tác phẩm của mình cho ngày hôm qua. Mà ngày hôm qua luôn là động lực để ngày mai đi tới.

Thi Thi