Tây Phi - điểm nóng ma túy
Hồ sơ - Ngày đăng : 06:08, 22/08/2011
Số lượng ma túy qua Tây Phi ngày một gia tăng. |
Vì thế, dù số lượng hàng trắng buôn bán thông qua tuyến đường của Lục địa đen không hề suy giảm nhưng số vụ bị bắt giữ lại đang ít đi trong vài năm gần đây. Mặc dù vậy, ước tính "kim ngạch thương mại" của loại hàng hóa chết người này cũng đạt khoảng 800 triệu euro/năm. Trong đó, các cung đường chuyển hàng liên tục được thay đổi và những kẻ buôn bán luôn nghĩ ra chiêu thức mới để qua mặt lực lượng an ninh. Lý do khiến Tây Phi được các tay trùm heroin chọn làm bản doanh là tình trạng quản lý an ninh lỏng lẻo do hậu quả những cuộc chiến tranh giành quyền lực nội bộ. Đơn cử như tại Guinea-Bissau, điểm chính trên tuyến đường buôn lậu, có đến hơn 80 hòn đảo lớn, nhỏ nằm ngoài khơi bờ biển nước này không có sự kiểm soát đầy đủ của lực lượng cảnh sát.
Nguồn cung hàng cũng muôn hình vạn trạng. Ban đầu, ma túy chủ yếu được các ông trùm tại các trung tâm sản xuất Nam Mỹ như Colombia và Venezuela chuyển đến bằng máy bay riêng qua Đại Tây Dương. Để các phi vụ được trót lọt, cách thức truyền thống vẫn là hối lộ quan chức cảnh sát hoặc quân đội nước sở tại để bảo kê các lô hàng. Thậm chí, có trùm maphia chấp nhận "bỏ của chạy lấy hàng" nếu đánh hơi thấy nguy cơ bại lộ. Người ta từng phát hiện một chiếc máy bay Boeing được cho là vừa hoàn thành vụ vận chuyển ma túy bị đốt cháy tại sa mạc ở phía bắc Mali. Thế nhưng, giờ có bằng chứng cho thấy, ma túy đã được đưa từ Afghanistan qua Trung Đông đến Tây Phi để tới châu Âu và Mỹ.
Bên cạnh đó, thay vì phần lớn lượng ma túy trung chuyển qua Tây Phi tập trung tại những quốc gia nghèo như Gambia hay Guinea-Bissau như trước kia, sức hấp dẫn của thứ hàng hóa siêu lợi nhuận này hiện đã lan tới những nền kinh tế mạnh hơn trong khu vực như Senegal hay Cote d'Ivoire. Các đối tượng tham gia vào các đường dây buôn bán "cái chết trắng" cũng đã được mở rộng bất ngờ. Thông thường, các ông trùm Mỹ Latin điều hành toàn bộ hoạt động. Nhưng truyền thống đã thay đổi, các trùm maphia Nga, Ukraine, Hà Lan, Lebanon và Morocco cũng đã chiếm vị trí đáng kể tại trạm trung chuyển Tây Phi. Cũng có thông tin cho thấy, những mạng lưới tội phạm quốc tế khét tiếng Nigeria từng làm nhiệm vụ phân phối ma túy khắp châu Phi giờ đã chuyển sang liên hệ trực tiếp với các "nhà sản xuất" hàng trắng ở Mỹ Latin và tự thực hiện các phi vụ. Ngoài ra, các thành viên của tổ chức al-Qaeda Bắc Phi, Islamic Maghreb chắc chắn đã kiếm tiền từ ma túy bằng việc cung cấp các dịch vụ trung gian.
Để "hàng hóa" đến được châu Âu, những kẻ buôn lậu thường sử dụng người bản địa phân tán ma túy khắp biên giới các nước Tây Phi để từ đó dùng tàu thuyền vượt biển hoặc sử dụng máy bay thương mại. Vì nguồn lợi nhuận khổng lồ, nên dù các chính phủ nhiều quốc gia châu Phi được sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn hiệu quả làn sóng buôn bán ma túy ở khu vực này. Tây Phi hiện là điểm nóng gây quan ngại với các nỗ lực đẩy lùi hiểm họa ma túy ở châu Âu, Mỹ và cả châu Á.