Bất ngờ chung kết toàn quốc Sao mai 2011 dòng Dân gian

Văn hóa - Ngày đăng : 02:22, 22/08/2011

(HNMO) – Đêm chung kết toàn quốc Sao mai dòng Dân gian diễn ra vào tối ngày 21/8 tại Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế một lần nữa lại mang đến điều bất ngờ...

3 thí sinh vào vòng CK xếp hạng - Từ trái qua phải: Lương Nguyệt Anh, Nguyễn Thị Phương Thanh và Nguyễn Thị Bích Hồng



* Kịch bản lặp lại

Nếu như trường hợp của Nguyễn Khánh Ly ở đêm thi dòng nhạc Thính phòng được lượng bình chọn nhiều và BGK chấm “nương tay” khiến không ít người nghe nhạc bày tỏ sự ngạc nhiên, thậm chí là “sốc”, thì đêm thi dòng Dân gian, kịch bản này một lần nữa lại lặp lại. Thí sinh của Hà Nội, Nguyễn Thị Bích Hồng (SBD 108), hát không mấy nổi trội so với 9 thí sinh dự thi nhưng cô lại có lượng bình chọn ngất ngưởng – 8820 lượt và được BGK chấm khá “rộng”, đủ để là người đứng ở vị trí thứ 2 để vào vòng chung kết xếp hạng cuối cùng diễn ra vào ngày 4/9.

Trong đêm thi, Bích Hồng trình bày hai ca khúc là “Hà Nội – Huế - Sài Gòn” (Hoàng Vân) và “Khúc xưa thành Thăng Long” không quá xuất sắc, nếu như không muốn nói là mờ nhạt. Hai ca khúc cô lựa chọn đều khó và Bích Hồng thể hiện ca khúc như với tinh thần của thí sinh trả bài, tức là đảm bảo thể hiện đúng kỹ thuật thanh nhạc nhưng phần cảm xúc lại không đọng lại nhiều cho người nghe. Có lẽ vì thế mà khi cái tên Nguyễn Thị Bích Hồng xướng lên, một số thí sinh không giấu được vẻ ngơ ngác vì không ngờ đến. Nhiều khán giả truyền hình cũng bày tỏ sự ngạc nhiên của mình trên facebook cá nhân.

Hai cái tên còn lại là vào vòng chung kết xếp hạng là những thí sinh xuất sắc ở hai khu vực miền Bắc và Nam, đó là Lương Nguyệt Anh (SBD 152) đến từ Bắc Ninh và Nguyễn Thị Phương Thanh (SBD 213) của Nghệ An. Nguyệt Anh (nhất Dân gian khu vực miền Bắc) và Phương Thanh (nhất ở khu vực miền Trung) vào tiếp vào vòng chung kêt xếp hạng không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, bởi đây là hai thí sinh có giọng hát đẹp và truyền cảm.

Bích Hồng bất ngờ vì là thí sinh được bình chọn nhiều nhất


Lương Nguyệt Anh (SBD 152) mở đầu xuất sắc với hai bài hát “Bến sông xưa” của Tuấn Phương và một ca khúc ca ngợi quê hương Kinh Bắc “Nhớ về hội Lim”. Là người có điểm số cao nhất khu vực miền Bắc, dường như Nguyệt Anh không bị chút áp lực nào khi là người hát đầu tiên. Cô thể hiện rất tốt cả hai ca khúc với chất giọng tròn đầy và ngọt ngào. Có thể nói, Lương Nguyệt Anh là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất ở dòng Dân gian năm nay. Suốt chặng đường thi Sao mai từ vòng loại, cho đến chung kết khu vực và chung kết toàn quốc, Lương Nguyệt Anh đều giữ một phong độ ổn định.

Trong khi đó, cô gái có số điểm cao nhất ở khu vực miền Trung Nguyễn Thị Phương Thanh có phần thể hiện tuy không phải là tốt nhất nhưng cũng đủ thuyết phục BGK. Phương Thanh thể hiện hai ca khúc “Ngược dòng Hương Giang” (Đức Trịnh) và “Câu đợi câu chờ” (Ngọc Thịnh) khá run và bị phô ở nhiều nốt. Nếu so với phần thi khu vực thì đêm chung kết toàn quốc, Phương Thanh hát không đúng với phong độ thường có. Dù sao, Phương Thanh cũng may mắn được xướng tên trong top 3 để đi vào đêm chung kết xếp hạng cuối cùng. Cô đã không giấu nổi giọt nước mắt sung sướng khi MC công bố kết quả.

Lương Nguyệt Anh là ứng cử viên sáng giá cho dòng Dân gian năm nay


Như vậy, trong top 3 thí sinh vào vòng chung kết xếp hạng toàn quốc không có đại diện nào của miền Nam. Hai đại diện cho miền Nam là Dương Thị Tú và Nguyễn Văn Thế đều không được vào.

* Đêm dân gian nhiều màu sắc

Đêm chung kết toàn quốc dòng Dân gian diễn ra với nhiều sắc màu. Các thí sinh đều cố gắng trong việc lựa chọn bài hát và mang đến nhiều âm hưởng ngọt ngào của nhiều vùng miền khác nhau. Từ những giai điệu êm đềm, mượt mà của vùng Kinh Bắc như Lương Nguyệt Ánh với “Bến sông xưa”, “Nhớ về hội Lim”; nét tài hoa, thanh lịch nhưng vẫn hùng sảng của mảnh đất Thăng Long trong “Dời đô” của Vũ Minh Vương; cho đến những giai điệu trong trẻo của vùng núi Tây Bắc qua phần thể hiện của Vũ Thị Liên trong “Hoa đất Mường” và “Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên”; và một chút màu sắc của văn hóa Chăm qua sự thể hiện của Nguyễn Thị Huyền Trang trong “Hoa nắng”.

9 thí sinh của dòng Dân gian trong đêm chung kết toàn quốc


Cách lựa chọn bài hát đa dạng, phong phú thậm chí mạo hiểm thể hiện những bài hát khó là một trong những điểm đáng hoan nghênh của các thí sinh năm nay. Và có lẽ điều đó khiến cho đêm thi toàn quốc dòng Dân gian cũng hấp dẫn, ngọt ngào và lắng đọng hơn.

Trong số những thí sinh không lọt vào top 3, cũng có những giọng hát để lại ấn tượng tốt. Vũ Minh Vương (SBD 104) khá mạnh dạn khi chọn “Dời đô”, một bài khá “nặng” về kỹ thuật, thậm chí mang nhiều hơi hưởng của dòng Thính phòng. Minh Vương đã cố gắng thể hiện bài hát theo một chất riêng, và dù có thể đôi chỗ Minh Vương hát chưa tới nhưng lại khiến người nghe thấy hứng thú với lối trình diễn nhiều sắc thái. Điểm cộng dành cho chàng trai đến từ Thái Bình là đã dám mạo hiểm thể hiện một bài hát khó trong đêm thi “một mất một còn”, điều mà không phải thí sinh nào cũng lựa chọn.

Nguyễn Văn Thế (SBD 319) đến từ TP Hồ Chí Minh, một gương mặt khá trẻ nhưng lại có lối hát nhẹ nhõm và gần gũi. Không trưng trổ nhiều kỹ thuật thanh nhạc, Nguyễn Văn Thế hát dung dị, nhẹ nhàng và rất tình ở hai ca khúc quen thuộc “Tiếng hát giữa rừng Bắc Pó” (Nguyễn Tài Tuệ) và “Gửi em chiếc nón bài thơ” (Lê Việt Hòa, Sơn Tùng). Cách hát đơn giản, nhẹ nhàng của Nguyễn Văn Thế khiến người nghe có cảm giác thoái mái, không bị căng thăng và mệt mỏi. Tuy nhiên, việc lựa chọn hai ca khúc có “màu” dân gian giống nhau khiến cho phần thể hiện của Thế đôi lúc rơi vào trạng thái nhàn nhạt. Trong một cuộc thi có nhiều giọng hát tốt về thanh nhạc điều đó không có lợi cho anh.

Nguyễn Văn Thế và Nguyễn Thị Thanh Hoa là hai giọng hát truyền cảm nhưng phải dừng bước ở đêm chung kết


Một giọng hát khá đáng tiếc trong đêm chung kết toàn quốc là Nguyễn Thị Thanh Hoa (SBD 154). Thanh Hoa thể hiện cuối cùng đêm thi nhưng lại biểu diễn rất ngọt hai ca khúc “Mưa xuân” (Huy Thục, Nguyễn Bính) và “Sông ơi đừng chảy” (Nguyễn Vĩnh Tiến). Nếu so với Nguyễn Thị Bích Hồng, người được khán giả bình chọn nhiều và đứng ở vị trí thứ 2 về điểm số, thì Thanh Hoa thể hiện duyên dáng và đi vào lòng người hơn. Cuộc thi nào cũng có phần trăm may mắn và rủi ro, tiếc là Thanh Hoa lại không nằm trong sự may mắn.

Đêm chung kết toàn quốc dòng Dân gian khép lại với top 3 đã được xác định. Tuần sau, sẽ là đêm thi của 9 thí sinh dòng nhạc Nhẹ.

Hoàng Lân