Giá vàng thế giới tiếp tục tăng tuần thứ 7 liên tiếp
Kinh tế - Ngày đăng : 16:29, 21/08/2011
Cũng trong tuần qua, đỉnh cao mới mọi thời đại của giá vàng được xác lập vào ngày 19/8 ở mức 1.878,15 USD/ounce.
Mở đầu tuần ngày 15/8, giá vàng trên thị trường châu Á đi xuống trong bối cảnh các nhà đầu tư quay trở lại với chứng khoán, thay vì các tài sản an toàn như vàng, và chuyển từ hình thức "mua vàng bán chứng khoán" sang "mua chứng khoán bán vàng."
Chốt phiên này trên thị trường châu Á, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.738,46 USD/ounce. Trong khi giá vàng kỳ hạn giảm 0,1% xuống 1.740,40 USD/ounce. Tuy nhiên tại New York cùng ngày sau đó, giá vàng giao ngay đã tăng gần 1% trong khi giá vàng kỳ hạn tăng 0,6% lên 1.769 USD/ounce.
Trong các phiên tiếp theo (16,17/8), giá vàng tuy trồi sụt trong các phiên, song xu hướng đi lên vẫn là chủ đạo trên tất cả các thị trường, và giá kim loại quý tăng đều từng ngày vào lúc đóng cửa.
Những số liệu ảm đạm về kinh tế châu Âu (GDP quý II của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chỉ tăng 0,1% so với quý trước đó; cuộc họp cấp cao Pháp-Đức ngày 16/8 thất bại trong việc thuyết phục giới đầu tư tin rằng cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro (Eurozone) sẽ được giải quyết một cách hiệu quả) là những nguyên nhân khiến giới đầu tư lại quay lại "sốt sắng" với vàng và đẩy giá kim loại quý tăng đều đặn.
Cơn sốt vàng thực sự bùng nổ và khuấy đảo trong hai phiên cuối tuần 18 và 19/8 khi "phi như điên" trên tất cả các thị trường toàn cầu, từ New York qua London, sang châu Á, trong bối cảnh giới đầu tư đón nhận một loạt thông tin xấu đến từ nền kinh tế đầu tàu Mỹ, cộng thêm nỗi lo về sức khỏe của hệ thống ngân hàng châu Âu, khiến họ đổ xô trú ẩn vào vàng để bảo toàn đồng vốn và tài sản của mình.
Những quan ngại về cuộc khủng hoảng hoảng nợ công ở hai bờ Đại Tây Dương còn chưa dứt, những khó khăn mới lại nổi lên trong hệ thống ngân hàng châu Âu, lạm phát ngày càng gia tăng tại các nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường đang nổi, những số liệu đáng thất vọng mới nhất của kinh tế Mỹ trong các lĩnh vực như chế tạo, việc làm và nhà đất, đã thổi bùng trở lại những nỗi lo về khả năng rơi vào một cuộc suy thoái mới của cả châu Âu và Mỹ - rõ ràng càng thúc đẩy giới đầu tư tìm đến vàng như một nơi trú ẩn an toàn trong thời buổi kinh tế rối ren, bất ổn.
Việc Tổng thống Venezuela Hugo Chavez trước đó, vào ngày 17/8, tuyên bố nước này sẽ thu hồi về 11 tỷ USD giá trị vàng gửi tại các ngân hàng nước ngoài, chủ yếu tại châu Âu, cũng là nhân tố hỗ trợ cho giá vàng.
Liên tiếp trong hai phiên này, giá vàng không ngừng phá vỡ các kỷ lục, từ 1.825,60 USD/ounce vào lúc đóng cửa phiên ngày 18/8 trên thị trường New York (sau khi đã có lúc chạm mốc 1.828,50 USD/ounce) lao vọt lên 1.844,55 USD/ounce tại sàn giao dịch Singapore ngay vào lúc mở phiên 19/8, để rồi sau đó, vào phiên châu Âu và Mỹ muộn hơn cùng ngày, giá vàng tiếp tục phi mã và đã có lúc trong phiên chinh phục đỉnh cao mới mọi thời đại 1.878,15 USD/ounce.
Tuy nhiên, "cơn điên" của vàng phần nào bị chững lại do có những lúc trong phiên, đà tháo chạy khỏi cổ phiếu của các nhà đầu tư có phần chậm lại, đưa vàng giao ngay vào lúc chốt phiên 19/8 đứng ở mức 1.847,9 USD/ounce, tăng 1,3% so với phiên 18/8. Giá vàng giao tháng 12 cũng tăng 30,2 USD lên 1.852,2 USD/ounce, sau khi lập kỷ lục 1.881,4 USD/ounce.
Vàng kết thúc tuần với mức tăng mạnh nhất trong 2 năm rưỡi qua (6%), còn tính từ đầu tháng tới nay, giá vàng đã tăng gần 12% - đang hướng tới tháng tăng mạnh nhất trong gần 12 năm trở lại đây. Tính từ đầu năm tới nay thì giá vàng đã tăng được 30%. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn trong tuần này cũng tăng tới 6,3%, còn tính từ đầu tháng tới nay thì tăng được 14%. Giá bạc cũng tăng 4,5% lên khép tuần ở mức 42,40 USD/ounce.
Tuy nhiên, sau khi tăng tới 400 USD trong chưa đầy hai tháng, nhiều chuyên gia phân tích, ngay cả các nhà sản xuất vàng, đã lên tiếng cảnh báo về đà tăng nóng của kim loại quý. Họ e ngại giá sẽ sụt tương đối lớn trong ngắn hạn, tuy triển vọng dài hạn vẫn ổn, đặc biệt khi giá dầu thô tăng và hàng hóa hồi phục, cộng với khả năng CME Group sẽ nâng tỷ lệ ký quỹ thêm một lần nữa. Lần trước, sau khi CME nâng tỷ lệ ký quỹ với vàng thêm 22%, giá kim loại quý đã có 3 phiên giảm mạnh liên tiếp do bị bán tháo.
Và mặc dù hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo thế giới đang đứng trước các “bong bóng vàng “ và giá vàng có thể còn tăng cao hơn nữa, song sẽ đến lúc bong bóng vỡ.
Các nhà phân tích cho biết, thị trường đang chờ đợi cuộc họp của FED trong tuần tới. Nhiều khả năng ông Ben Bernanke sẽ thông qua chương trình nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) để hỗ trợ nền kinh tế./.