Tìm hạnh phúc trong “Mùa mưa ở Singapore”
Giải trí - Ngày đăng : 15:48, 21/08/2011
(HNMO)- Sau thành công của “Không khóc ở Kuala Lumpur”, nhà văn trẻ Linh Lê tiếp tục cho ra mắt cuốn tiểu thuyết lãng mạn “Mùa mưa ở Singapore”. Sách do BachvietBooks và NXB Hội Nhà văn liên kết ấn hành vừa ra mắt độc giả vào 8/2011.
Nội dung cuốn tiếu thuyết xoay quanh mối tình của cô họa sĩ đường phố mang trong mình hai dòng máu Việt - Sing gốc Trung tên là Minh Tuyên và một du học sinh người Việt tên Kỳ Phong. Qua lời kể của Minh Tuyên và Kỳ Phong, cuộc sống hằng ngày của những người dân nhập cư trong khu Chinatown, khu Tiểu Ấn… hiện lên khá phong phú và được khắc họa rõ nét.
Minh Tuyên với nguồn gốc xuất thân khá phức tạp: Mẹ cô là người Việt vượt biên, bị lừa bán vào một nhà chứa và gặp cha cô tại đây, ông đem lòng yêu bà và quyết tâm mang bà ra khỏi chốn này. Cuộc sống bao nhiêu năm không được như ý muốn khiến một lần nữa, mẹ Minh tuyên lại sa vào chốn cũ. Bà cùng người tình lên kế hoạch vượt biển về Việt Nam nhưng bị bại lộ. Mẹ Minh Tuyên đã tự kết liếu đời mình bằng cách cắt tóc mình, bện lại, quấn vải xung quanh để thắt cổ. Nỗi khổ đau lớn nhất trong cuộc đời Minh Tuyên là cha cô bắt cô vẽ lại gương mặt của mẹ mình khi đó làm di ảnh thờ. Cũng khởi nguồn từ bi kịch này, Di - người đàn ông của Minh Tuyên đã rời bỏ cô trong sự im lặng sau khi tìm hiểu được mọi chuyện.
Ngược lại với Di, sau khi có được tình yêu từ Minh Tuyên và được cô kể cho nghe mọi chuyện, Kỳ Phong có ước muốn mãnh liệt là được ở bên cạnh, chở che cho Minh Tuyên và muốn lấy cô làm vợ. Nhưng tình yêu của họ gặp phải sự ngáng trở từ An Nhiên - một cô bạn “thanh mai trúc mã” với Kỳ Phong từ thuở nhỏ, người cứ đinh ninh sau này sẽ chỉ mình trở thành vợ của anh. Cộng thêm sự hậu thuẫn từ gia đình Kỳ Phong, An Nhiên đã “ngầm lôi kéo” được Kỳ Phong trở về Việt Nam. Buổi chia tay Kỳ Phong không hẹn ngày gặp lại, anh cũng không biết rằng có một mầm sống đã tượng hình trong cơ thể Minh Tuyên sau lần ân ái ban đầu.
Một tai nạn không may đến với Minh Tuyên, cô mất đi đứa bé khi cái thai mới được vừa ba tháng. Trong sự bơ vơ, cô đơn đến tận cùng, cô chấp nhận đi Bắc Kinh cùng Caleb - một người mà cô không yêu, chỉ tồn tại một tình bạn. Ngày Kỳ Phong trở lại Singapore, góc phố Pagoda không còn Tuyên nữa, chỉ còn những câu nói như nhắn nhủ: “Hãy tâm niệm rằng hạnh phúc chính là được tìm về lại nơi yêu dấu cũ, để nhớ về người xưa cũ của những ngày tháng đã qua. Hạnh phúc ấy chỉ có được, khi ta nhận ra rằng mình chẳng thể nào ngừng lại những hồi tưởng ấy.
Các tình tiết, vẫn đơn giản, như quyện đặc lại dần, và bạn đã có cảm giác rằng đây không phải câu chuyện về những nỗi buồn vô cớ, mà là câu chuyện về những số phận khắc nghiệt, những cảnh đời không giản đơn. Mọi thứ ngột ngạt dần lên, gay gắt dần lên. Phải chăng đây là câu chuyện về những vết thương, về những người trẻ tuổi phải bước vào đời và phải sống với những vết thương khó lành trong tâm hồn? Phải có lý do để họ, vào tuổi yêu, trong một môi trường không bị đói nghèo thiếu thốn đe dọa, lại có cảm giác như trong lời thú hai nói về sự nhỏ bé (có thật theo kích cỡ địa lý, không thật theo chiều kích nhân gian) của đất nước này: “Singapore bé nhỏ nhưng sao chẳng thể nào đi hết những mệt mỏi ở nơi này”… Hay đây là câu chuyện về một thế hệ, theo ngôn ngữ triết học hiện sinh, đang “bị ném vào” thế giới hiện hữu - cái thế giới là di sản của những năm tháng trước đó, cái thế giới vẫn bị sức ép và sự độc đoán của những năm tháng trước chi phối?