Nỗi niềm làng cổ ven đô
Xã hội - Ngày đăng : 06:44, 21/08/2011
Tây Mỗ cũng còn được biết đến là làng hiếu học, làng dệt, đất lúa… với hạt gạo Ngà ngon nức tiếng, được người dân trong vùng tôn vinh "Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh, Cót". Quá trình đô thị hóa, làng quê Tây Mỗ đang đổi thay từng ngày, song cũng đặt ra không ít thách thức trong việc bảo tồn vốn cổ.
Làng điện ảnh - làng lúa
Con đường 70 xuống cấp lầy lội đưa chúng tôi đến làng Tây Mỗ. Qua hồ sen thơm mát, những con đường nhỏ uốn lượn, chúng tôi bắt gặp những mái nhà cổ kính, bờ rào, râm bụt và ao bèo xanh rợp… Không gian yên tĩnh đặc trưng của vùng nông thôn truyền thống, đối lập hoàn toàn với phố thị ồn ào. Chị Đỗ Thị Thanh Nga, Bí thư Đoàn xã, vui vẻ giới thiệu với chúng tôi rằng, nếu như một năm có 365 ngày thì có tới 200 ngày ở đây có đoàn làm phim. Các đạo diễn đến đây đều nhận xét rằng: "Tây Mỗ cách trung tâm Hà Nội không xa, rất tiện cho việc đi lại. Làng lại có một vẻ đẹp thanh bình, cổ kính với nhiều ngôi nhà cổ, cảnh làng quê giống như 30-40 năm về trước, còn người dân thì yêu điện ảnh, mến khách khỏi phải nói. Nhiều khi cần vai diễn quần chúng, đoàn làm phim có thể huy động hàng trăm người dân làng tham gia"- chị Nga cho biết.
Ngôi nhà cổ của gia đình bà Yên tháng nào cũng có đoàn làm phim về mượn làm cảnh quay. |
Ngoài cái tiếng là "làng điện ảnh", Tây Mỗ cũng từng được coi là "vựa lúa" của Thủ đô. Nơi đây cho ra những hạt gạo ngon nổi tiếng. Câu ca: "Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh, Cót" nhằm ca ngợi người dân Tây Mỗ khéo trồng lúa, dệt vải giỏi nhất nhì đất Thăng Long xưa. Từ hạt gạo, ở đây còn có một lễ hội đặc sắc mang tên "Lễ rước xôi", là nghi lễ tôn vinh, thờ phụng hạt gạo vào mỗi dịp năm mới.
Cụ Nguyễn Thị Thái năm nay ngoài 70 tuổi, nhà ở xóm Dộc cho hay, Tây Mỗ thờ hạt gạo do chính người làng mình làm ra, đây là nghi lễ khởi đầu cho một năm mùa vụ, cầu mùa màng tươi tốt, thóc lúa bội thu và gia đình yên ấm. Theo truyền thống, mỗi năm dân làng sẽ chọn ra một gia đình đăng cai lễ hội. Được chọn phải là gia đình nền nếp, gương mẫu, con cái phương trưởng, cha mẹ song toàn. Xôi rước được đựng trong chum đồng đặt trên ba kiệu. Mỗi chum xôi nấu từ 30kg gạo nếp cái hoa vàng loại thượng hạng. Để có gạo ngon, từ trước Tết, gia đình đăng cai và người làng đến giúp đã phải chọn gạo, sàng sảy, tỉ mỉ trong suốt cả tuần. Lễ hội là nét văn hóa độc đáo riêng của Tây Mỗ, là dịp để người làng tưởng nhớ công ơn tổ tiên và giáo dục cho thế hệ trẻ biết nâng niu, quý trọng cây lúa và hạt gạo cũng như không được quên cội nguồn.
Một mai hết "gạo", lấy gì đồ "xôi"?
Đó là trăn trở của người dân Tây Mỗ cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Chủ tịch UBND xã Tây Mỗ Nguyễn Văn Giang nói: "Tây Mỗ sắp mất chữ làng rồi. Tốc độ đô thị hóa ở đây đang diễn ra chóng mặt". Theo như lời ông Giang thì toàn xã Tây Mỗ có khoảng 300ha đất sản xuất nông nghiệp, đến nay đã thu hồi gần 170ha, liên quan đến gần 2.000 hộ dân. Số diện tích còn lại cũng đã vào quy hoạch, đến hết năm 2012, toàn bộ diện tích đất này sẽ phải thu hồi nhường chỗ cho các dự án khu đô thị, trường học, văn phòng... Vậy là chẳng bao lâu nữa, cây lúa sẽ bị xóa sổ khỏi đất này.
Về Tây Mỗ bây giờ, bên cạnh xóm làng với cây đa, bến nước, mái đình, những mái nhà thuần Việt đã xen vào ngày càng nhiều hơn những ngôi nhà cao tầng bề thế. Bên cạnh niềm vui thay da đổi thịt, nhiều người băn khoăn tự hỏi: Không biết một mai, làng lên phố thì những thế hệ hậu sinh có còn thờ phụng hạt gạo? Mà không phải đâu xa, chỉ khoảng 1-2 năm nữa thôi, khi đất nông nghiệp bị thu hồi 100%, xôi rước của làng sẽ chẳng còn là hạt gạo do chính tay người làng nắng mưa vất vả làm ra nữa. Cũng không biết rằng với tốc độ đô thị hóa ghê gớm như hiện nay thì chỉ trong vài năm tới, Tây Mỗ liệu còn lại bao nhiêu nhà cổ, còn không những ao làng, bờ rào, bờ giậu của một vùng nông thôn truyền thống, Tây Mỗ có còn sức hấp dẫn, là chốn lui về cho những đoàn làm phim?