Danh hiệu và cộng đồng

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:03, 21/08/2011

(HNM) - Dường như, không có tháng nào trên các phương tiện thông tin đại chúng không ngập danh sách về các cuộc thi, cuộc bình chọn đủ loại. Khỏi bàn đến các cuộc này của giới cầu thủ, nghệ sĩ, người mẫu... ta luôn gặp không ít các cuộc thi, cuộc bình chọn chủ yếu rơi vào lĩnh vực kinh doanh, mà chưa xem đã thấy lấp lánh ánh kim tiền.

Vẫn biết, làm kinh tế thì lợi nhuận là mục đích đầu tiên và cũng là cuối cùng của hầu hết các doanh nghiệp, nên doanh nghiệp nào mạnh về tiền, chuyện họ lọt vào tốp này, tốp nọ là điều không mấy ngạc nhiên. Có điều, chính các nhà xã hội học, nhiều chuyên gia kinh tế lại chưa chỉ ra được cái lượng "người tiêu dùng" đông đảo ấy là thành phần nào của xã hội và những cuộc cách mạng lớn lao của mỗi doanh nghiệp kia đang dành các ưu ái lớn lao nhất cho tầng lớp xã hội nào?

Người nghèo vì thế dễ bị bỏ quên lại phía sau, để luôn chịu mọi thiệt thòi khi họ chưa đạt đủ các tiêu chí của một người tiêu dùng thực thụ ngay cả khi có doanh nghiệp nào thực sự dấn thân cho người lao động nghèo, cũng không thiếu cách nhìn cho rằng họ đang "đi đánh vét".

Bởi thế, thông điệp "cùng ra khơi" của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel với gói cước trả trước Sea+ như một lời khẳng định trách nhiệm của doanh nghiệp trước những người lao động nghèo đang gặp muôn vàn khó khăn khi biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả.

Đất nước ta có chiều dài bờ biển tới hơn 3.200km và hơn 29 triệu cư dân tập trung ở các vùng biển, đảo và ven biển, mà cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào biển: Họ không chỉ là lực lượng làm kinh tế biển chủ chốt, mà còn là những "người lính" thực thụ ngày đêm canh giữ trời biển Tổ quốc. Họ là nhân chứng sống khẳng định quyền chủ quyền không thể chối cãi của cư dân Việt Nam ở những vùng biển, đảo thiêng liêng này.

Họ là những người lao động thật nghèo, nên chắc chắn khai thác lợi nhuận từ họ có thể không đáng là bao. Nhưng, nếu lãng quên họ, chả lẽ chúng ta không thấy mình có lỗi? Hàng triệu con người đang ngày đêm bám biển để khai thác, đánh bắt hải sản, làm các dịch vụ trên biển của Tổ quốc, tại sao không được ưu ái, tôn vinh… không đáng được trân trọng?

Phát triển sản xuất, mở rộng mạng lưới dịch vụ là điều cần thiết của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt trong thời kỳ cạnh tranh và hội nhập hiện nay. Nhưng, phát triển, mở rộng từng gói dịch vụ theo kiểu "khoán sản phẩm" cho cán bộ, công nhân viên trong ngành để tìm cho bằng được những con số đẹp trong bản báo cáo thành tích cuối năm; trong khi lại không dám mở rộng đầu tư, hướng tới những lợi ích cộng đồng lớn lao hơn, đặc biệt là hướng đến những người lao động còn gặp khó khăn, liệu đây có phải là cách nghĩ, cách làm hợp quy luật?

Câu chuyện của Viettel và gói cước Sea+ chính là cách ứng xử thông minh nhất cho những danh hiệu mà mỗi năm chúng ta tốn không biết bao nhiêu công bình chọn, tuyên dương... Bởi, danh hiệu lớn lao nhất chính là sự đón nhận của cộng đồng, mà đặc biệt là đại đa số những lao động còn gặp nhiều gian khó.

Nguyễn Hòa Bình