Chuyến thăm củng cố niềm tin

Thế giới - Ngày đăng : 05:49, 21/08/2011

(HNM) - Phó tổng thống Mỹ Joe Biden dành hơn nửa thời gian dừng chân tại Trung Quốc (5 ngày) trong chuyến công du 9 ngày tới 3 quốc gia châu Á (Trung Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản), dường như cho thấy Mỹ muốn củng cố mối quan hệ Mỹ-Trung đang bị giảm sút bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, đồng thời nhằm phục hồi và đẩy mạnh vị thế tại châu Á.

Lịch trình chuyến thăm châu Á của Phó Tổng thống J.Biden bắt đầu từ ngày 17-8, nhưng điểm đến đầu tiên và dài ngày nhất tại Trung Quốc đã gây chú ý và quan tâm nhiều của dư luận. Có nhiều nguyên nhân để có một cuộc "dừng chân" như thế, nhưng trọng tâm vẫn là vấn đề kinh tế. Thực chất, chuyến thăm Trung Quốc của ông J.Biden lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng căng thẳng về hồ sơ nợ công của Mỹ đang tạo sự nghi ngờ về vai trò của Mỹ với nền kinh tế toàn cầu. Trong khi Trung Quốc hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ; đồng thời là nước nắm giữ nhiều nhất trái phiếu Mỹ, trị giá hơn 1.000 tỷ USD. Nhiều tờ báo chính thống của Trung Quốc thời gian qua đã tỏ ra quan tâm đến cuộc đối đầu chính trị vừa qua ở Mỹ về nâng trần nợ công.

Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại thủ đô Bắc Kinh ngày 18-8.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng, cuộc tranh luận nợ công của Mỹ là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng chính trị ở Washington và việc Mỹ chi quá nhiều tiền cho quân sự là nguyên nhân dẫn tới các bất ổn về tài chính hiện nay. Không chỉ vậy, đứng trước nguy cơ khối tài sản khổng lồ mang nhãn hiệu USA đang được Trung Quốc sở hữu bị mất giá theo chỉ số tín nhiệm, người dân Trung Quốc cũng tỏ ra quan ngại và cho rằng Chính phủ nên nhanh chóng bán số nợ đang nắm giữ nhằm đề phòng khi Mỹ vỡ nợ. Hiện nay, Trung Quốc chưa bán số trái phiếu của Mỹ đang nắm giữ, nhưng theo các nhà phân tích kinh tế, điều này sẽ thay đổi, nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc mất lòng tin vào sự ổn định của nền kinh tế Mỹ. Thậm chí, Trung Quốc và cả các quốc gia khác có thể sẽ lựa chọn những phương án khác để thay thế vai trò của Mỹ.

Rõ ràng, tình trạng này không có lợi cho Mỹ. Trung Quốc sẽ không sẵn lòng tiếp tục mở "hầu bao" nếu Mỹ không bảo đảm chắc chắn về các khoản tiền cho vay. Nghiêm trọng hơn, những khoản nợ giữa Trung Quốc và Mỹ rất có thể còn làm phức tạp thêm mối quan hệ nhiều mặt giữa hai nước. Vì thế, sứ mệnh của ông J.Biden trong chuyến công du quan trọng nhất là phải khôi phục niềm tin của thế giới với Mỹ tại Bắc Kinh.

Phó Tổng thống J.Biden đã có một loạt các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc như: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc. Trong những cuộc hội đàm này, ông J.Biden đã thuyết phục Trung Quốc tin vào cam kết của Mỹ trong giải quyết các thách thức tài chính và sự kiện tăng trần nợ công của Mỹ là bước đi tích cực tiến tới giảm thâm hụt ngân sách lâu dài. Nói một cách khác, thông điệp mà Phó Tổng thống J.Biden mang tới Bắc Kinh là tiền của Trung Quốc sẽ an toàn cùng với Mỹ. Cam kết này tỏ ra thực chất khi được ông J.Biden khẳng định, Mỹ đang khôi phục trật tự tài chính và có khả năng, ý chí để thực hiện nỗ lực đó. Dù là một cam kết mang tính chính trị, nhưng dường như nó đã có hiệu ứng khá tốt khi dấu hiệu lo ngại của Trung Quốc về nợ công của Mỹ đã bước đầu được giải tỏa.

30 năm trước, kể từ chuyến thăm đầu tiên của ông J.Biden tới Trung Quốc với tư cách là một Thượng nghị sỹ, khi Mỹ và Trung Quốc mới bắt đầu bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1979, lúc đó, Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế kém phát triển, nhưng giờ đây, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Còn mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ đã ngày một phụ thuộc và gắn bó hơn khi hai bên cùng chia sẻ nhiều lợi ích và gánh vác trách nhiệm chung. Không chỉ thế, vì là hai nền kinh tế đầu tàu thế giới, nên cải thiện quan hệ song phương không chỉ phục vụ lợi ích hai bên, mà còn cho toàn cầu.

Do đó chuyến thăm của Phó Tổng thống J.Biden nhằm củng cố lòng tin của các nhà đầu tư Trung Quốc vào nền kinh tế Mỹ đã có kết quả tốt đẹp. Nhưng tương lai hai nước có thu hẹp được những bất đồng còn tồn tại hay không thì điều đó chưa thể khẳng định ngay lúc này.

Thùy Dương