Canada: Hiện tượng “ngoài cuộc”

Thế giới - Ngày đăng : 08:28, 20/08/2011

(HNM) - Nền kinh tế Canada có vẻ như không bị ảnh hưởng từ


Trong khi cường quốc số 1 thế giới đang phải đối mặt với chỉ số tín dụng bị hạ thì nền kinh tế Canada vẫn giữ được mức AAA của Standard & Poor và Moody's với triển vọng ổn định. Canada đang trở thành hiện tượng "ngoài cuộc", thu hút sự quan tâm của các nền kinh tế khó khăn hiện nay.


Giá trị của đồng đôla Canada đang tăng do nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu nước này

Nền kinh tế Canada đang tăng trưởng khả quan, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể. Thực tế, Canada có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và người dân nước này hầu như không phải chịu nỗi lo bong bóng bất động sản và nợ công như Mỹ và châu Âu đang phải gánh chịu. Dân số của Canada - nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới chỉ khoảng 34 triệu dân, GDP vào khoảng 1.330 tỷ USD, và nợ chính phủ đến cuối năm 2010 khoảng 34% GDP. Cả Moody và S&P đều không nghi ngờ gì về mức đánh giá AAA và triển vọng ổn định dành cho đất nước Bắc Mỹ này. Điều đó khẳng định Canada là nơi an toàn nhất về tín dụng ở Tây Bán cầu.

Vì thế, trong việc mở rộng cuộc tìm kiếm nơi an toàn trong trái phiếu toàn cầu các nhà đầu tư lớn nhất thế giới đã chọn Canada là điểm đến. Và thực tế, nước này đang là quốc gia dẫn đầu danh sách các thị trường tín dụng an toàn. Với người dân Canada, nguồn vốn nước ngoài đổ vào đang góp phần làm giảm bớt chi phí đi vay của chính quyền và làm giảm tỷ lệ lãi suất dài hạn, nhưng cũng làm tăng giá trị của đồng đôla Canada (CAD).

Năm 1993 Canada từng phải đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách lên tới 30 tỷ USD. Khoảng 36% nguồn thu của ngân sách chính phủ dùng để trả nợ. Lúc bấy giờ Bộ trưởng Tài chính Paul Martin là người đã thành công trong việc giảm thâm hụt ngân sách khổng lồ, đưa Canada bước vào thời kỳ 12 năm liền thặng dư ngân sách. Ông Paul Martin đã tiến hành cắt giảm chi tiêu. Đồng đô la Canada yếu và sự bùng nổ của nền kinh tế Mỹ đã giúp nước này có được sự cân bằng ngân sách. Trong năm ngân sách 1998, Chính phủ Canada ước tính việc giảm thâm hụt ngân sách 55% là nhờ tăng trưởng kinh tế và 35% là nhờ cắt giảm chi tiêu. Don Drummond, người phụ trách ngân sách dưới thời Martin cho biết Mỹ và châu Âu sẽ không thể giảm thâm hụt ngân sách dễ dàng bởi bối cảnh kinh tế hiện nay khó khăn hơn so với những năm 1990. Năm 2008, Canada không nằm ngoài cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng tốc độ hồi phục của nước này nhanh hơn các nước khác. Mặc dù mức thâm hụt ngân sách của Canada hiện đang ở mức cao nhất trong lịch sử, Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn cho rằng đất nước Bắc Mỹ này là quốc gia duy nhất trong G7 - nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất - sẽ có thặng dư ngân sách vào năm 2015. Quan trọng hơn, Canada không phải hứng chịu cuộc khủng hoảng tín dụng thế chấp cũng như khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn.

Nói cách khác, trong khi nhiều nước đang chao đảo thì Canada đã tránh được cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng. Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng AP (Mỹ), Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty cho biết: "Chúng tôi tự hào về hoạt động của hệ thống ngân hàng trong suốt giai đoạn khủng hoảng vừa qua". Sở dĩ hệ thống ngân hàng của Canada đứng vững vì chúng được giám sát nghiêm ngặt. Trong khi Mỹ và châu Âu nới lỏng việc kiểm soát chặt hệ thống tài chính trong suốt 15 năm qua, Canada không làm như vậy. Các ngân hàng Canada cũng không vay nợ nhiều như các ngân hàng của Mỹ và châu Âu. Trong khi tại các ngân hàng Mỹ tỷ số nợ so với vốn trung bình là 26/1, Canada chỉ có 18/1. Đây là một trong những nhân tố giúp đất nước này thoát hiểm về tài chính với quan điểm rủi ro trung thực và đáng tin cậy.

Phòng Thương mại Canada vừa dự báo Ngân hàng Canada sẽ không ảo tưởng về kiểm soát thị trường và sẽ giữ tỷ lệ lãi suất cho vay ở mức hiện nay cho tới mùa hè năm sau. Hiện Canada đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2,5% trong năm 2011; đồng thời nỗ lực giải quyết những vấn đề tài chính và đã đưa mức nợ vào tầm kiểm soát.

Kim Phượng