Không cam chịu đói nghèo

Đời sống - Ngày đăng : 07:01, 20/08/2011

(HNM) - Trong cuộc sống đời thường hôm nay, những cựu chiến binh (CCB) vẫn đang phát huy phẩm chất


Hội viên Hội CCB xã Xuân Phương (huyện Từ Liêm) chăm sóc vườn cây ăn quả.
Ảnh: Trung Kiên

Trở về sau chiến tranh với một cánh tay để lại chiến trường CCB Đỗ Đình Ngô ở xã An Khánh, Hoài Đức được xếp hạng thương binh 3/4. Không quản ngại khó khăn, gian khổ ông đã kiên trì, lập nghiệp bằng nghề chăn nuôi và ấp trứng gà. Thành lập được công ty riêng, không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động chủ yếu là con em CCB với mức lương từ 3,2 triệu đến 4 triệu đồng/người/tháng.

Từ hai bàn tay trắng, sau nhiều năm miệt mài CCB Nguyễn Bá Khẩn, xã An Tiến, Mỹ Đức đã có mô hình trang trại nuôi cá, vịt kết hợp với khai thác vật liệu xây dựng rộng hơn 30ha. Trung bình mỗi năm trang trại này mang lại cho gia đình ông hơn 1 tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 70-80 lao động với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng.

CCB Đinh Văn Lợi, ở xã Tuy Lai, Mỹ Đức, nhờ vốn vay 20 triệu đồng thông qua Hội CCB huyện, đã tạo dựng cơ sở sản xuất mây giang, giải quyết việc làm cho 70-100 lao động lúc nông nhàn với mức lương 1,2-1,7 triệu đồng/người/tháng, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu lãi gần 500 triệu đồng.

Tuy là huyện ngoại thành nhưng Gia Lâm không có nhiều đất để phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, do vậy các CCB của huyện làm kinh tế bằng cách chăn nuôi bò sinh sản, lợn, gà, trồng cây, con giống… Ông Nguyễn Khắc Tư, Chủ tịch Hội CCB của huyện cho biết: "Tính từ năm 2007 đến nay, đã có hơn 10 tỷ đồng vốn vay phát triển kinh tế đến tay các hội viên nghèo trên địa bàn. Từ nguồn vốn vay này đã có 52 dự án phát triển kinh tế được hình thành với 688 hộ được vay, tạo việc làm cho hơn 1.000 hội viên. Ngoài nguồn vốn vay của nhà nước, huyện Hội còn huy động vốn nội bộ hơn 100 triệu đồng cho hội viên nghèo vay. Toàn huyện đã có 9 CCB thoát nghèo, không còn nhà hội viên dột nát…

Ông Đỗ Quốc Ân, Phó Chủ tịch Hội CCB TP Hà Nội cho biết: "Để đạt được mục tiêu xóa nghèo bền vững, Hội CCB TP luôn quan tâm đến công tác hỗ trợ vốn cho hội viên phát triển kinh tế gia đình". Hiện tại, số dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội của Hội CCB TP là 300 tỷ đồng cho trên 25.000 hộ vay, tạo việc làm thường xuyên cho 27.000 lao động. Ngoài nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các cơ sở đã khai thác nhiều nguồn từ ngân hàng tín dụng với lượng vốn trên 80 tỷ, vốn từ chi hội, hội cơ sở cho hội viên vay lãi suất thấp hoặc không lãi là trên 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, doanh nhân là CCB đã giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động.

Nhiều thương binh nặng, bằng nguồn vốn vay của Hội CCB đã "vượt lên chính mình" làm giàu cho gia đình và quê hương. Nhiều CCB đã biết phát huy thế mạnh của địa phương để phát triển ngành nghề, phù hợp với điều kiện cụ thể. Từ đó hình thành nên các vùng chuyên canh mang tính đặc thù như vùng trồng hoa, cây cảnh thuộc huyện Từ Liêm, Mê Linh… các vùng chuyên canh nông sản quý ở Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ; vùng chuyên canh nuôi trồng thủy hải sản tại Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Trì; Ứng Hòa…

Nghị lực trong phát triển kinh tế và lại nhận được sự hỗ trợ vốn từ chương trình "Đoàn kết giúp hội viên CCB phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu hợp pháp" của Hội CCB TP, các hội viên CCB trên địa bàn Hà Nội đang từng bước khẳng định bản lĩnh và tinh thần vượt khó của mình để làm giàu chính đáng. Họ là tấm gương sáng trên mọi "trận tuyến" để con cháu noi theo.

Nguyên Hoa