Quy định của pháp luật về việc tập trung đông người nơi công cộng

Đời sống - Ngày đăng : 06:22, 20/08/2011

Để giữ gìn trật tự công cộng, góp phần bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân theo quy định của pháp luật, ngày 18-3-2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2005/NĐ-CP quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.


Theo Điều 7 của nghị định, việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với UBND có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký (quy định này không áp dụng đối với các hoạt động do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức). Bản đăng ký phải có các nội dung cơ bản sau: a) Họ tên, tuổi, địa chỉ của người đăng ký; tên, trụ sở và các thông tin khác của tổ chức đăng ký; b) Nội dung, mục đích việc tập trung đông người; c) Ngày, giờ diễn ra hoạt động, thời gian kết thúc; d) Địa điểm tập trung, đường đi, sơ đồ lộ trình sẽ đi qua; đ) Tên của các tổ chức dự kiến tham gia và họ tên, tuổi, địa chỉ của người đại diện cho tổ chức đó; e) Số người dự kiến tham gia; cờ, ảnh, phương tiện mang theo, nội dung biểu ngữ, khẩu hiệu (nếu có); g) Cam kết thực hiện đúng nội dung, phạm vi hoạt động đã đăng ký và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản đăng ký, chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, giải quyết việc đăng ký tập trung đông người. Chủ tịch UBND đã cho phép hoặc chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp có quyền tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc hủy bỏ việc tập trung đông người khi xét thấy các hoạt động đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc vi phạm nội dung đã cho phép...

Các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng gồm: 1. Quy định khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; 2. Phân luồng giao thông, cấm hoặc hạn chế người và phương tiện giao thông ra, vào những khu vực nhất định; 3. Khi xảy ra tình trạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng thì tùy theo tình hình cụ thể, cơ quan chức năng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp sau đây để ổn định tình hình, bảo đảm trật tự công cộng và xử lý người vi phạm: a) Thuyết phục, yêu cầu mọi người chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng và chấm dứt ngay hành vi vi phạm; b) Đặt rào cản, chốt giữ các nút giao thông; c) Tạm đình chỉ hoạt động của các phương tiện giao thông; d) Kiểm tra giấy tờ tùy thân; khám người, phương tiện; tạm giữ người, phương tiện vi phạm; thu giữ vũ khí và các vật dụng nguy hiểm theo quy định của pháp luật; đ) Cưỡng chế người có hành vi vi phạm rời khỏi địa điểm tập trung đông người trái pháp luật; e) Sử dụng công cụ hỗ trợ và các công cụ, phương tiện khác để bảo đảm trật tự công cộng; g) Trưng dụng tạm thời phương tiện, cơ sở vật chất của cơ quan, tổ chức và công dân theo quy định của pháp luật để phục vụ cho các biện pháp cấp bách nhằm lập lại trật tự công cộng; h) Các biện pháp khác do pháp luật quy định (quy định tại Điều 9 Nghị định 38/2005/NĐ-CP).

Giới hạn của hoạt động biểu tình ở một số quốc gia
Phần lớn nội dung của luật biểu tình ở các quốc gia có nhiều điểm chung như: quy định giờ giấc, địa điểm, phạm vi và cả những yếu tố kỹ thuật liên quan và biện pháp phòng ngừa những hành vi quá giới hạn cho phép.

Ví dụ, ở Anh các cuộc biểu tình phải xin phép trước 14 ngày. Địa điểm biểu tình có thể diễn ra ở nhiều nơi trừ các khu vực cấm như quanh tòa nhà quốc hội. Tuy nhiên, người biểu tình sẽ bị ngăn chặn hoặc giải tán ngay nếu gây cản trở giao thông hoặc có biểu hiện gây bạo loạn. Người biểu tình có hành động kích động bạo lực, tiến hành các hành vi bạo lực đều bị bắt giữ và có thể bị kết tội hình sự.

Tại Iraq, người tổ chức biểu tình phải nộp đơn lên Bộ trưởng Nội vụ và Thống đốc tỉnh 72 giờ trước khi tiến hành biểu tình, trong đó nêu rõ số người sẽ tham gia cũng như thời gian và địa điểm biểu tình. Biểu tình phải diễn ra hòa bình, các khẩu hiệu sử dụng trong cuộc biểu tình không được kích động bạo lực tôn giáo và sắc tộc, người biểu tình không được mang theo vũ khí nóng; nếu dẫn tới bạo lực sẽ phải hứng chịu các biện pháp trấn áp theo thẩm quyền của cảnh sát. Lệnh giới nghiêm cũng có thể được ban hành trong các trường hợp cuộc biểu tình có dấu hiệu đe dọa nghiêm trọng đến an ninh...

Phương Chi