Khu bảo tồn Mù Cang Chải có nguy cơ bị tàn phá

Xã hội - Ngày đăng : 10:58, 19/08/2011

Được đánh giá là khu rừng nguyên sinh đẹp bậc nhất vùng Tây Bắc, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái rộng trên 20.000ha với thảm động thực vật phong phú, quý hiếm, trong đó có nhiều loài có ghi trong Sách đỏ Việt Nam.

Nơi đây thực sự là "lá chắn" vững chãi, giúp bảo vệ khu vực đầu nguồn hệ thống sông Đà. Tuy nhiên, trước hoạt động khai thác lâm sản trái phép và việc đầu tư 4 dự án thủy điện quy mô lớn đang đặt Khu bảo tồn trước nguy cơ bị tàn phá.

Rừng nguyên sinh xã Chế Tạo ở Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. (Nguồn: Internet)


"Lá chắn xanh" trên dãy Hoàng Liên Sơn

Nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, Khu bảo tồn Mù Cang Chải là một dãy núi hình cung cao từ 1.700-2.500m, chạy dài trên địa bàn các xã Chế Tạo, Nậm Khắt, Púng Luông, Lao Chải và Dế Xu Phình, bao quanh vùng đầu nguồn sông Nậm Chải. Khu bảo tồn được xác định là khu vực rừng phòng hộ, bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đà.

Quả 3 đợt khảo sát Khu bảo tồn, Tổ chức Bảo tồn động, thực vật Quốc tế (FFI) đã thống kê có gần 790 loài thực vật bậc cao, trong đó có hơn 30 loài thuộc diện quý hiếm được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới; 2 loài thuộc cấp nguy cấp, 4 loài thuộc cấp bị đe dọa nguy cấp, 7 loài thuộc cấp hiếm.

Cũng qua điều tra, phát hiện tại đây có gần 270 loài cây được sử dụng trong các bài thuốc đông y chữa trị nhiều bệnh. Không chỉ phong phú về thực vật, FFI còn thống kê được hơn 240 loài, hơn 70 họ, hơn 20 bộ động vật xương sống. Đặc biệt có hơn 40 loài động vật quý hiếm trong sách Đỏ Việt Nam và gần 30 loài ở mức độ bị đe dọa toàn cầu. Hiện, Khu bảo tồn đang là nơi cư ngụ của khoảng 100/120 cá thể vượn đen tuyền còn tồn tại ở Việt Nam.

Sau 3 đợt khảo sát quy mô của tổ chức FFI vào năm 2000, 2001 và 2002 cho thấy khu vực rừng núi đầu nguồn sông Đà có một hệ thống sinh thái đa dạng, quý hiếm. Để có cơ sở bảo vệ và phát triển hệ sinh thái của khu vực, ngày 9/10/2006, Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái đã có Quyết định 513/QĐ-UBND phê duyệt thành lập Khu bảo tồn Mù Cang Chải.

Theo đó, Khu bảo tồn có 4 nhiệm vụ, trong đó có vai trò "bảo tồn và duy trì môi trường sống tự nhiên của các loài, nhóm loài, quần thể sinh vật; bảo tồn bền vững các hệ sinh thái, các loài bằng các biện pháp tích cực nhằm duy trì các nơi cư trú và bảo đảm sự sống lâu dài của các loài vật đang nguy cấp."

Nhiều quan ngại trước các dự án thủy điện

Tuy nhiên, ngày 31/3/2010, Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Quang Đạt cho phép doanh nghiệp đầu tư xây dựng 4 nhà máy thủy điện nằm trong vùng đệm và nằm ngay sát vành đai Khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc Khu bảo tồn. Bốn nhà máy thủy điện gồm Mí Háng Tầu có công suất 5MW, Dế Dính Máo với công suất 12,5MW, Ná Háng có công suất 19MW và Phìn Hồ 2 với công suất 10MW.

Mặc dù các dự án này được đầu tư dựa trên quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ của tỉnh Yên Bái phê duyệt tại Quyết định 394 ngày 27/10/2006, song, chúng đều có công suất lớn gấp từ 2-4 lần so với công suất tối đa cho các nhà máy nằm trong quy hoạch.

Việc cho phép xây dựng 4 nhà máy thủy điện ngay sát khu vực vành đai Khu bảo tồn đang đặt ra nhiều mối quan ngại về việc bảo tồn hệ sinh thái cho Khu bảo tồn.

Theo ông Vàng A Lử, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn, Hạt trưởng hạt kiểm lâm Mù Cang Chải, việc đầu tư 4 nhà máy thủy điện chỉ cách vành đai Khu bảo tồn có hơn 200m và nằm trên diện tích lớn 630ha sẽ khó tránh khỏi những tác động đến hệ sinh thái của Khu bảo tồn. Cùng với đó khi hoàn thành công trình, hệ thống giao thông thông suốt vào tận vành đai Khu bảo tồn sẽ là thách thức lớn đối với công tác bảo vệ cho toàn khu.

Còn theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, mặc dù nằm xa hơn so với 4 công trình thủy điện của doanh nghiệp Quang Đạt, song việc thi công thủy điện Nậm Chiến 1 thuộc tỉnh Sơn La kề bên cũng đã có những tác động nhất định đến hệ sinh thái Khu bảo tồn, như việc nổ mìn phá đá ảnh hưởng lớn đến nhiều loài chim trú ngụ trong Khu bảo tồn.

Cần ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản trái phép

Với diện tích rộng lớn, trong khi lực lượng kiểm lâm quá mỏng cũng đang là thách thức lớn đối với nhiệm vụ bảo vệ Khu bảo tồn. Đến năm 2010, Khu bảo tồn mới chỉ có 3 tổ với 14 thành viên quản lý. Riêng khu vực trọng điểm Chế Tạo chỉ có 2 tổ với 10 thành viên, 4 xã vùng đệm chỉ có 4 người quản lý.

Theo đánh giá nhu cầu bảo tồn của Khu bảo tồn trong dự án "Tăng cường quản lý Khu bảo tồn Loài và sinh cảnh Mù Cang Chải" do Quỹ Bảo tồn Việt Nam hỗ trợ và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt thực hiện trong hai năm từ tháng 3/2008 đến 3/2010, cho thấy, tình trạng săn, bắn, bắt, bẫy động vật hoang dã ở Khu bảo tồn đang xẩy ra ở mức độ nghiêm trọng.

Các hoạt động này chủ yếu phục vụ mục đích bổ sung khẩu phần ăn tại chỗ và đáp ứng nhu cầu của thị trường; trong đó các loài như lợn rừng, khỉ, gấu, nai là mục tiêu săn bắt chính. Không chỉ có người trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhiều bà con từ huyện Mường La, tỉnh Sơn La; Than Uyên ở tỉnh Lai Châu cũng đến Khu bảo tồn để săn và đặt bẫy động vật để bán. Mùa săn bắn và đặt bẫy thường vào mùa mưa, từ tháng Năm đến tháng Mười.

Cùng với hoạt động săn bắn, người dân còn khai thác gỗ trái phép nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hoặc bán cho đầu nậu địa phương. Theo điều tra, gỗ khai thác chủ yếu là Pơ Mu thuộc diện tích rừng đang được Nhà nước giao khoán bảo vệ cho hộ gia đình.

Hiện nay, thực trạng khai thác gỗ chưa đến mức gây tổn hại lớn cho tài nguyên đa dạng sinh học của Khu bảo tồn, nhưng đang xảy ra trên diện rộng với cường độ tương đối cao. Nếu không có biện pháp quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn hữu hiệu, tình trạng khai thác gỗ chắc chắn sẽ gia tăng trong thời gian tới, đe dọa nghiêm trong Khu bảo tồn.

Cùng với khai thác gỗ, tình trạng phá rừng trồng thảo quả - phương thức canh tác truyền thống của đồng bào nơi đây, chủ yếu là người Mông cũng đang diễn ra. Do phương thức sản xuất lạc hậu, năng suất thấp, nên họ cần nhiều diện tích để canh tác. Ban đầu người dân phát phá tán rừng ở dưới để trồng thảo quả, sau đó khi cây thảo quả phát triển người dân tiếp tục phá tán rừng ở phía trên.

Dân số gia tăng, thiếu đất sản xuất nông nghiệp và tập quán du canh trên sườn đồi luôn là áp lực gây ra tình trạng xâm lấn đất rừng của Khu bảo tồn. Hiện nay, tình trạng phát rừng trồng cây thảo quả của Khu bảo tồn đang diễn ra với cường độ cao trong phạm vi khá rộng ở hầu hết các khu vực...

Rõ ràng, thực trạng khai thác lâm sản trái phép cùng việc chuẩn bị xây dựng 4 nhà máy thủy điện đang đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phối hợp có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời nhằm duy trì bảo tồn và phát triển Khu bảo tồn Mù Cang Chải.

Theo TTXVN/Vietnam+