Đang cần cú hích
Xã hội - Ngày đăng : 07:18, 19/08/2011
Sản xuất đã đi vào quy trình
Hiện nay việc tiêu thụ rau an toàn là vấn đề khó khăn cho người sản xuất. Ảnh: Khánh Nguyên
Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội cho biết, trong năm 2011, Hà Nội sẽ đạt được diện tích 3.200-3.250ha sản xuất RAT, tăng gần 700ha so với năm 2010. Diện tích RAT phân bố ở 86 vùng thuộc 71 xã trọng điểm trên địa bàn TP. Các vùng rau này đều có cán bộ chuyên môn trực tiếp giám sát quy trình trồng, chăm sóc tại đồng ruộng và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT. Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết, trong các vùng RAT sẽ lựa 13 vùng với diện tích khoảng 115ha, thuộc 13 xã để quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Ngoài ra, Chi cục sẽ lựa chọn, xây dựng các mô hình chuỗi để tạo vùng nguyên liệu cung cấp nguồn RAT cho hệ thống cửa hàng tiêu thụ. Mục tiêu đến năm 2015, toàn thành phố có trên 150 vùng sản xuất RAT.
Hiện các dự án xây dựng vùng RAT đang được đẩy nhanh tiến độ, tới nay đã có 7/19 dự án đã được UBND TP phê duyệt trong năm 2011 bao gồm: dự án RAT tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì với diện tích 50ha; dự án tại xã Duyên Hà (Thanh Trì) 57ha; xã Thụy Hương (Chương Mỹ) 80ha; xã Thanh Xuân (Sóc Sơn) 50ha; xã Thanh Đa (Phúc Thọ) 50ha; thị trấn Tây Đằng huyện Ba Vì 51ha và xã Chu Minh, Ba Vì 21ha. 12 dự án còn lại đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, quản lý tổ chức sản xuất và tiêu thụ… Bà Nguyễn Thị Hoa cho rằng, các vùng RAT đang sản xuất đúng tiến độ, diện tích trồng RAT tăng lên, song khó khăn vẫn là ở khâu tiêu thụ, cụ thể là RAT chưa có chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh đó, việc quản lý chất lượng RAT gặp không ít khó khăn. Rất ít huyện quan tâm đến sản xuất RAT, nhiều vi phạm khi phát hiện không được xử lý. Để sản xuất RAT được thuận lợi, lãnh đạo chính quyền địa phương cần phối hợp và giám sát chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị thực hiện.
Xây dựng mạng lưới tiêu thụ
Tại hội nghị tổng kết chương trình sản xuất RAT mới đây, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề xuất UBND TP điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong đề án SX RAT được phê duyệt từ năm 2009. Theo Bà Nguyễn Thị Hoa, vấn đề của RAT hiện nay là quản lý chất lượng và hướng tiêu thụ. Nhiều vùng RAT sau khi hình thành đã hoạt động rất tốt nhưng rất ít RAT "chen chân" được vào siêu thị và đứng chân được ở đó. Bên cạnh đó, tại các điểm bán RAT trên địa bàn TP, người tiêu dùng vẫn chưa thật sự mặn mà với sản phẩm sạch này. Do đó, đề án sản xuất RAT của Hà Nội đã có sự bổ sung, chỉnh sửa một số điều về diện tích vùng trồng RAT, về phân bón, sử dụng thuốc BVTV… Đặc biệt, việc quy định điều kiện kinh doanh RAT cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Theo quy định mới, các tổ chức, cá nhân mở cửa hàng, quầy hàng, đại lý kinh doanh RAT phải thực hiện đúng quy định của pháp luật và phải tuân theo các quy định mới; phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với sở hữu địa điểm hoặc hợp đồng thuê địa điểm tối thiểu một năm. Có đầy đủ trang thiết bị và dụng cụ phù hợp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; có hợp đồng cung ứng rau với các cơ sở sản xuất, có hóa đơn phiếu nhập, xuất RAT hằng ngày; sản phẩm RAT phải có bao bì hoặc đai bó và được niêm phong; người trực tiếp bán hàng không mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định Bộ Y tế…
Đánh giá về tiến độ sản xuất và tiêu thụ RAT, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho rằng, các dự án RAT cần xem lại mục tiêu đặt ra. Mục tiêu phải sát với thực tế, đặt mục tiêu xa vời sẽ khó thực hiện. Một số dự án RAT không rõ chủ thể, bị phân cắt khúc quản lý ở từng cấp ngành cần có đơn vị đứng ra quản lý. Đối với quy mô hộ sản xuất RAT nhỏ lẻ, Chi cục BVTV cần cử cán bộ kỹ thuật bám vùng hướng dẫn cho người dân. Vấn đề cốt yếu đối với các dự án hiện nay là tập trung vào sản xuất, không nên chỉ tập trung vào đầu tư xây dựng hạ tầng để có thể tiết kiệm nguồn vốn sử dụng vào các việc cấp thiết. Tại các hội nghị bàn về vấn đề này, việc làm thế nào để RAT đến được với người tiêu dùng luôn được các sở, ngành quan tâm. Thiết nghĩ, để RAT trở thành sản phẩm phổ thông, thân thiện với người tiêu dùng vẫn cần một cú hích trong cả sản xuất và tiêu thụ. Các ngành và địa phương nên chung tay rà soát lại các cơ chế chính sách, đặc biệt là quan tâm tới hình thức tổ chức, xây dựng thương hiệu và xây dựng mạng lưới tiêu thụ để RAT đến được với người tiêu dùng và phát triển bền vững.