Cơn sóng ngầm nguy hiểm

Thế giới - Ngày đăng : 06:59, 19/08/2011

(HNM) - Sự kiện Thủ tướng Nepal Jhalanath Khanal, Chủ tịch đảng Cộng sản Marxist Leninist thống nhất (CPN-UML) từ chức hôm 14-8, đã đẩy quốc gia Nam Á này vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới. Lý do ông J. Khanal đưa ra quyết định vì Chính phủ không thể kiếm tìm được sự đồng thuận với các đảng về tiến trình hòa bình và soạn thảo Hiến pháp mới.

Thủ tướng J.Khanal từ chức, dự báo những khó khăn mới trên chính trường Nepal.

Đây là cuộc ra đi không dễ dàng của ông J. Khanal và người đứng đầu Chính phủ Nepal chỉ chấp nhận buông xuôi vào phút cuối. Chính sự bất đồng trong chia sẻ quyền lực và phân bổ "ghế" trong nội các với đảng Cộng sản Nepal Maoist thống nhất (UCPN-M) và hai đảng nhỏ hơn trong liên minh cầm quyền đã đẩy ông J. Khanal tới chỗ không còn có sự lựa chọn nào khác ngoài từ chức. Sau cuộc ra đi của người đứng đầu chính phủ hợp hiến, quốc gia bên dãy Himalaya này đang lún sâu thêm vào khó khăn. Trước hết là tiến trình hòa bình đang bế tắc, cộng với đó là bản dự thảo Hiến pháp đang còn dang dở.

Ông J. Khanal được Quốc hội Nepal bầu làm Thủ tướng vào đầu tháng 2 vừa qua. Là người từng được dân chúng đặt nhiều kỳ vọng, ông J. Khanal được xem như "vị cứu tinh" cho đất nước Nam Á này. Bởi trước đó, Nepal đã rơi vào khủng hoảng chính trị khi nhà lãnh đạo Prachanda từ bỏ chức Thủ tướng hồi năm 2009 trong một cuộc xung đột với Tổng thống về kiểm soát quân đội quốc gia. 7 tháng Nepal không có Thủ tướng, không người chèo lái con thuyền kinh tế vốn đầy khó khăn do vừa thoát khỏi thập kỷ nội chiến (năm 2006). Tuy nhiên, những nỗ lực sau đó của ông J. Khanal đã không thể xoay chuyển được cỗ máy vốn đã vận hành nặng nề trong sự tham quyền, cố vị. Sau nhiều lần tiến hành cải tổ bộ máy chính quyền, Thủ tướng J. Khanal vẫn chưa lập ra được nội các cuối cùng. Gần đây, ngày 1-8, quyết định bổ nhiệm 9 nghị sĩ Maoist vào Nội các của ông J. Khanal đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Quốc hội và ngay cả trong các thành viên đảng của ông. Hai vấn đề trọng yếu với Chính phủ Nepal hiện nay là hoàn tất tiến trình hòa bình và phải có Hiến pháp mới trước ngày 31-8 tới, thời điểm hoạt động của Hội đồng lập pháp hết hiệu lực sau nhiều lần gia hạn. Hội đồng này, gồm 601 thành viên được bầu năm 2008 với nhiệm kỳ hai năm, nhằm soạn thảo hiến pháp mới cho Nepal sau khi chấm dứt cuộc nội chiến dài cả thập kỷ và kết thúc chế độ quân chủ kéo dài 240 năm ở Nepal. Thế nhưng, một trong những điểm bế tắc của tiến trình hòa bình là đề nghị giải giáp 19.000 thành viên vũ trang của UCPN-M - một đề nghị gặp phải sự phản đối kịch liệt từ các nhà lập pháp và lãnh đạo quân sự. UCPN-M từng chiến đấu với Chính phủ trong khoảng thời gian từ 1996-2006, hiện là đảng lớn nhất tại Nepal. Thêm vào đó, Quốc hội Nepal cũng thất bại trong soạn thảo Hiến pháp mới để mở đường cho tổng tuyển cử, mặc dù đã kéo dài hạn chót hai lần kể từ năm 2010 đến nay…

Như vậy, có thể xem, sự ra đi của ông J. Khanal là điểm mở đầu cho một cuộc khủng hoảng chính trị mới. Ngay sau khi ông J. Khanal từ chức, các đảng phái chính trị lớn ở nước này đã bất đồng về người kế nhiệm. Các đảng lớn tuyên bố sẽ tổ chức hội đàm về việc chỉ định Thủ tướng mới; nhưng đảng nào cũng khẳng định sẽ lãnh đạo chính phủ liên minh mới. Hiện tại, theo quy định, sau khi ông J. Khanal từ chức, Tổng thống Ram Baran Yadav sẽ yêu cầu các chính đảng thành lập một chính phủ đồng thuận theo Hiến pháp tạm thời. Nếu không thành lập được chính phủ, Tổng thống sẽ yêu cầu tổ chức bầu Thủ tướng.

Khủng hoảng chính trị sẽ kéo theo sụt giảm về kinh tế. Đây là kịch bản không mới với quốc gia Nam Á này. Hiện tại, tình trạng thiếu điện, lạm phát gần hai con số tại Nepal chưa được giải quyết thì cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra dự báo một cơn sóng ngầm nguy hiểm sẽ đến mà chưa biết hậu quả sẽ ra sao.

Trung Hiếu