Triển lãm Hàng không MAKS-2011: Cuộc đua sức mạnh

Xe++ - Ngày đăng : 06:57, 19/08/2011

(HNM) - Với 627 công ty, gồm 473 công ty của Nga và 154 công ty nước ngoài, Hội chợ Triển lãm Hàng không vũ trụ quốc tế MAKS-2011 diễn ra từ 16 đến 21-8 tại thị trấn Zhukovskiy, cách Thủ đô Mátxcơva 40km về phía đông nam đang được các nhà tổ chức hy vọng sẽ là nơi ghi nhận những kỷ lục mới trong lĩnh vực này.

Màn trình diễn ấn tượng tại lễ khai mạc MASK- 2011.

Cùng với các hội chợ kỹ thuật hàng không quốc tế Farnborough (Anh) và Le Bourget (Pháp), nhiều năm qua, MAKS luôn giữ vị trí vững vàng trong danh sách các diễn đàn hàng không lớn nhất trên thế giới. Nhiều tập đoàn sản xuất máy bay không bỏ qua cơ hội này để giới thiệu những sản phẩm mới nhất nhằm giành thế chủ động trong cuộc đua khốc liệt trên thị trường hàng không toàn cầu. Vì vậy, ước tính tổng giá trị các hợp đồng ký được tại hội chợ lần này có thể lên tới 3 tỷ USD.

Trong số khoảng 200 máy bay có mặt tại MAKS-2011, một mẫu máy bay được chờ đợi nhất là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Nga, Sukhoi T-50, còn được biết tới với tên gọi PAK-FA, được chế tạo để thực hiện nhiều nhiệm vụ trên không, trên bộ, trên biển. Điểm nổi bật của Sukhoi T-50 là có thể sử dụng các loại vũ khí mới nhất của quân đội Nga như: tên lửa không đối không tầm ngắn R-73; tên lửa không đối không tầm trung R-77 (tầm bắn lên tới 90km); tên lửa không đối đất điển hình là Kh-31 hoặc không đối hạm như Kh-35 Uran, Kh-41 Moskit và các loại bom dẫn đường chính xác cao. Vũ khí phụ rất hiệu quả trong các cuộc không chiến tầm gần là hai pháo 30mm chắc chắn cũng không thể thiếu trên Sukhoi T-50. Tương tự "Chim ăn thịt" F-22 của Mỹ, tất cả vũ khí của Sukhoi T-50 được treo bên trong khoang máy bay. Cách bố trí này giúp giảm thiểu khả năng bị phát hiện của hệ thống radar phòng không đối phương. Điểm đáng chú ý nữa là Sukhoi T-50 không sử dụng công nghệ tàng hình truyền thống như nhiều máy bay chiến đấu của các quốc gia khác. Thay vào đó là công nghệ tàng hình Plasma mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Đây là những tính năng giúp Sukhoi T-50 trở thành "đối thủ" nặng ký trong cuộc đua giành thị phần với F-22 của Mỹ.

Bên cạnh các chiến đấu cơ, những mẫu máy bay dân dụng đời mới lần đầu tiên xuất hiện tại Hội chợ Hàng không MASK như Boeing-787 Dreamliner cũng thu hút được nhiều sự chú ý. Có khả năng thực hiện chuyến bay cự ly 15.000km và chuyên chở từ 250 đến 330 hành khách, đây là loại máy bay được đánh giá là "hot" nhất của Tập đoàn sản xuất máy bay Mỹ Boeing. Tuy ra mắt công chúng từ 3 năm qua, song quá trình sản xuất "đứa con cưng" này bị trì hoãn do một loạt khó khăn không thể lường trước. Điều này đã khiến Boeing có phần hụt hơi so với đối thủ "truyền kiếp" Airbus ở châu Âu trên thị trường hàng không thế giới. Ưu điểm nổi trội của Boeing-787 Dreamliner là loại máy bay siêu nhẹ có thể tiết kiệm được 20% nhiên liệu so với các loại máy bay khác. Cùng với Boeing-787 Dreamliner đời đầu, Boeing hy vọng các mẫu máy bay cải tiến của dòng này sẽ giúp hãng giành lại vị trí số 1 đã rơi vào tay Airbus vài năm qua.

Quỳnh Chi