Cuộc chiến khốc liệt tại Libya: Chưa có điểm dừng

Thế giới - Ngày đăng : 06:30, 19/08/2011

(HNM) - Chiến sự ở Libya ngày càng khốc liệt. Lần đầu tiên, lực lượng của nhà lãnh đạo Libya, Muammar Gaddafi đã sử dụng tên lửa Scud trong cuộc đụng độ với lực lượng nổi dậy.

Trong khi đó, Đại sứ của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC) tại Pháp, Mansur Saif Al-Nasr tuyên bố ngày 16-8, cuộc chiến chống chính quyền của nhà lãnh đạo M. Gaddafi đã bước vào "giai đoạn quyết định" và NTC sẽ giành chiến thắng trong 3 tuần tới, thời điểm kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo (ngày 31-8).

Khói bốc đen đặc ở thành phố Misrata sau cuộc đụng độ giữa quân đội Libya và phe nổi dậy.

Trước đó, ngày 15-8, quân nổi dậy tuyên bố đã giành quyền kiểm soát "hầu hết" các thị trấn duyên hải, trong đó có thị trấn Zawiyah, chỉ cách thủ đô Tripoli 40km về phía Tây. Đây là chướng ngại cuối cùng để quân nổi dậy tiến thẳng tới thủ đô Tripoli; đồng thời, Gomma Ibrahim - phát ngôn viên của quân nổi dậy tại Libya cho biết, lực lượng này cũng đã chiếm được thị trấn miền núi Gharyan, cách thủ đô Tripoli 80km về phía Nam, nằm trên con đường chạy thẳng về Tripoli. Người phát ngôn của lực lượng nổi dậy cũng tuyên bố đã chiếm được thị trấn duyên hải Surman ở phía Tây Tripoli.

Với những gì mà lực lượng nổi dậy đạt được, mong muốn lật đổ nhà lãnh đạo M. Gaddafi của phương Tây đang có cơ hội trở thành hiện thực. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Sức mạnh của nhà lãnh đạo M. Gaddafi đến nay vẫn là ẩn số. Theo một số nguồn thạo tin, Libya hiện có khoảng 240 tên lửa Scud, trong đó phiên bản "Scud B" có tầm bắn khoảng 300km. Trong khi đó, trái ngược với tuyên bố của phiến quân, Người phát ngôn của Chính phủ Libya, ông Moussa Ibrahim, ngày 15-8 cho biết, quân đội nước này đã bước đầu giành thắng lợi tại cứ điểm trọng yếu Misrata và đang tiếp tục tiến quân vào trung tâm thành phố. Ông này còn khẳng định lực lượng của nhà lãnh đạo M. Gaddafi đã quét sạch các tay súng đối lập tại Misrata, cách thủ đô Tripoli 200km về phía Đông; đồng thời bác bỏ tuyên bố của lực lượng đối lập rằng họ đã chiếm phần lớn thành phố Zawiyah…

Trên một bình diện khác, giả thuyết, nếu NTC với sự hỗ trợ đắc lực của các cường quốc phương Tây giành chiến thắng, thì tương lai quốc gia Bắc Phi này vẫn là một ẩn số. Mặc dù ngày 17-8, Chủ tịch NTC Mustafa Abdel Jalil đã vạch ra lộ trình chuyển tiếp không kéo dài quá 8 tháng, thậm chí ít hơn, kể từ khi nhà lãnh đạo M. Gaddafi bị lật đổ; tuy nhiên, những rạn nứt ngày càng sâu trong phe nổi dậy lại làm dấy lên nhiều mối hoài nghi. Mâu thuẫn nội tại lớn của NTC hiện nay là cuộc đối đầu giữa phái quân sự và phái dân sự. Thêm vào đó là cuộc tranh ngôi lãnh đạo dẫn đến vụ ám sát Tổng Tư lệnh quân nổi dậy, Tướng Abdel Fatah Younes. Hai chục nhóm chiến binh tình nguyện - nòng cốt của lực lượng quân sự của phe nổi dậy - mới đây đã ký đơn tập thể đòi Bộ trưởng Quốc phòng Jallal al-Digheily từ chức vì cho rằng vị này gián tiếp liên quan đến cái chết của Tướng Younes. Họ còn đòi NTC phải loại bỏ những phần tử không tin cậy và sẵn sàng tố cáo những phần tử trung thành với M. Gaddafi thâm nhập vào hàng ngũ quân nổi dậy…

Trong khi đó, lực lượng đồng minh tấn công Libya lại đang có sự thoái trào. Hồi trung tuần tháng 8 này, tàu sân bay Charles de Gaulle (Pháp), nơi xuất phát của 25% số phi vụ xuất kích và 30% số lần không kích của liên quân nhằm vào Libya, đã trở về căn cứ hải quân tại cảng Toulon để bảo dưỡng trong vài tháng. Việc rút tàu sân bay của Pháp đang đặt ra câu hỏi cho các đồng minh tham gia chiến dịch không kích. Chưa kể việc Na Uy đã rút đơn vị máy bay chiến đấu cuối cùng khỏi chiến dịch vì lý do kinh phí. Còn với Mỹ, trong khi mọi việc còn ngổn ngang tại Iraq và Afghanistan, chính quyền của Tổng thống B. Obama lại phải dồn sức cho các vấn đề đối nội ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới, họ không thể lún sâu thêm vào "vũng lầy" Bắc Phi này.

Cuộc khủng hoảng Libya đang diễn ra khốc liệt và chưa có điểm dừng. Tháng ăn chay Ramadan với nhiều ý nghĩa cho một cuộc sống tốt đẹp hơn đang dần kết thúc, nhưng những gì đang diễn ra ở quốc gia Bắc Phi này không mang lại những dự cảm an lành. Có chăng chỉ là sự lo ngại cho cuộc sống đang ngày càng chất chồng thêm khó khăn cho người dân nơi đây.

Trung Hiếu