Tập trung gỡ vướng những bức xúc về giao thông đô thị
Xã hội - Ngày đăng : 16:00, 18/08/2011
.
Tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển giao thông và định hướng phát triển mạng lưới giao thông văn minh, hiện đại theo cùng với quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… là những trọng tâm đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo trong buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải trong sáng 18/8.
Phát triển nhanh mạng lưới giao thông, giảm ùn tắc
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết: Từ đầu năm đến nay, ngành giao thông đã tập trung duy trì và cải thiện tình hình giao thông đi lại trên địa bàn TP, triển khai các giải pháp cấp bách để giảm ùn tắc giao thông. Năm 2011, Sở GTVT có 2 dự án đình hoãn (Dự án xây dựng trụ sở đội Thanh tra giao thông vận tải tại Hà Đông; Dự án xây dựng đường Nguyễn Phong Sắc (đoạn từ đường 32 đến đường Hoàng Quốc Việt); 02 dự án giãn tiến độ (Dự án Xây dựng mở rộng tuyến đường Lương Đình Của ra đường Trường Chinh, Dự án Đường tỉnh 421B (ĐT 81 cũ) đoạn cổng trường Quân sự tỉnh) với tổng kinh phí cắt giảm là: 4.650 triệu đồng.
Đáng chú ý, sau khi Kế hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô giai đoạn 2011-2015 được UBND Thành phố phê duyệt tại Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 10/06/2011, nhiệm vụ của ngành trong việc tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong năm 2011 và các năm tiếp theo là rất lớn. Để nhanh chóng hoàn thiện cơ bản hệ thống hạ tầng khung GTVT Thủ đô cần tập trung xây dựng và hoàn chỉnh các tuyến vành đai, các tuyến quốc lộ hướng tâm, các tuyến trục chính đô thị, và một số tuyến đường giao thông quan trọng như: Vành đai I, Vành đai II (trong đó đặc biệt là phải thông được Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở và coi đây là nhiệm vụ quan trong nhất của ngành trong 5 năm tới), Vành đai III. Các Quốc lộ: 1A, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, các trục chính đô thị như: Cát Linh – La Thành – Thái Hà – Láng, Văn Cao – Hồ Tây, Trục Tây Thăng Long, các tuyến tỉnh lộ quan trọng như: Đường 87A, 82, 83, 84, đường 35, Quốc lộ 23…
Hơn nữa, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về việc triển khai xây dựng các công trình giao thông quan trọng, cấp bách để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố, Sở Giao thông Vận tải đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện 21 hạng mục và nhóm công trình nhằm thực hiện mục tiêu trước mắt là hạn chế ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố.
Để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại một số địa phương, đặc biệt là khu vực ngoại thành, đồng thời để đảm bảo an tốt toàn giao thông cũng như phục vụ cho lưu thông hàng hóa thuận lợi, Sở GTVT đang triển khai cải tạo và xây dựng mới 50 cây cầu trên địa bàn TP Hà Nội (32 cầu yếu và 18 cầu xây mới), trong đó, 34 danh mục cầu đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép TP quyết định chỉ định thầu xây lắp và tư vấn để đẩy nhanh tiến độ; 08 cầu đang thi công và 06 cầu chuẩn bị khởi công trong 6 tháng cuối năm, số còn lại đang triển khai lập dự án.
Mặt khác, ý kiến của Tổng công ty thiết kế công trình giao thông (TEDI) cũng cho biết, Tổng công ty đã nghiên cứu các phương án thiết kế 9 nút giao để góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội. Đó là các nút giao như Nam Hồng, Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương có thể triển khai được. Các nút giao Thái Hà – Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, đã nghiên cứu nhiều phương án nhưng khó triển khai vì không gian hẹp, vướng giải phóng mặt bằng nhiều. Tiếp theo đó, TEDI cũng đang nghiên cứu việc triển khai nút giao thông 69, Hoàng Quốc Việt… đây là khu vực đang ùn tắc giao thông rất nhức nhối vì lưu lượng xe đông.
Giảm bất cập, xây dựng bức tranh giao thông văn minh hơn
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: Hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng giao thông, môi trường đã được xác định là khâu đột phát trong phát triển kinh tế xã hội Thủ đô nhanh và bền vững trong thời gian tới. Vừa qua, Thành ủy đã có chương trình về đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật. UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo lộ trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong 5 năm tới, đến 2015. Sở GTVT cũng đã xây dựng chương trình công tác thực hiện mục tiêu trên. Có thể thấy, trong 6 tháng qua ngành GTVT đã có những kết quả đáng phấn khởi, chủ động tham mưu cho UBND TP tăng cường công tác quản lý, đặc biệt xử lý vấn đề ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông. Bên cạnh đó là tập trung huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông: duy tu, bảo dưỡng, lắp đặt đèn tín hiệu; phối hợp tổ chức giao thông, giảm thiểu ùn tắc. “Với số phương tiện đông, hạ tầng yếu kém, nếu ngành giao thông và các cấp, các ngành không cố gắng, sẽ không đảm bảo được việc lưu thông như trong thời gian qua” – Chủ tịch khẳng định. Hơn nữa, trong việc tổ chức phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, ngành GTVT cũng đã có nỗ lực như gia tăng phương tiện, thiết lập trung tâm điều khiển, nâng cao lượng hành khách vận chuyển (được 266 triệu lượt hành khách vận chuyển từ đầu năm đến nay); tăng cường quản lý bến bãi, giao thông tĩnh…
Qua bức tranh chung về giao thông Hà Nội, Chủ tịch nhận định, tình hình GTVT đã có bước phát triển, nhất là về vấn đề ùn tắc đã giảm nhiều. Ví như, khi Hà Nội mở ra đường vành đai 3, đã giảm được việc các phương tiện trước kia phải đi qua nội thành. Hiện, Hà Nội chưa giải quyết được ùn tắc triệt để nhưng thời gian đi lại đã nhanh hơn. Hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô đã khang trang hơn với đường Vành đai 3, Đại lộ Thăng Long, cầu Thanh Trì, và tới đây là đường quốc lộ 32.
Tuy nhiên, Chủ tịch cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình giao thông hiện vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, bức xúc. Giao thông của Thủ đô diễn ra rất lộn xộn giữa các dòng xe như ô tô, xe máy, xe buýt… So sánh với TP HCM, trật tự đi lại ngăn nắp, văn minh hơn hơn Hà Nội. Lòng đường, vỉa hè, các nơi công cộng của Hà Nội bị lấn chiếm nhiều bởi việc đỗ xe tràn lan, bán hàng… Do đó, mặc dù tình hình tai nạn giao thông ở Hà Nội đã giảm nhưng vẫn bức bối.
Theo Chủ tịch, nguyên nhân của những vấn đề trên là do hạ tầng yếu kém, trong khi đó phương tiện cá nhân tăng nhanh do hệ thống giao thông công cộng chậm phát triển (thiếu đường sắt trên cao, tàu điện ngầm…). Bên cạnh đó, công tác quản lý trong GTVT còn nhiều bất cập, yếu kém; Thiếu sự phối hợp trong khai thác và quản lý: lòng đường, vỉ hè, cây xanh, chiếu sáng, bưu chính viễn thông, điện lực…Một nắp hố ga mất liên quan đến cả Sở GTVT, Sở Xây dựng… Một số dự án công trình trọng điểm liên quan đến nhiều ngành phối hợp như GPMB, cơ quan quản lý văn hóa (như ở việc xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây). Hơn nữa, ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông kém.
Để khắc phục những vấn đề trên, Chủ tịch giao nhiệm vụ cho Sở GTVT, trên cơ sở quy hoạch chung Thủ đô mới được Thủ tướng phê duyệt, Sở phải xem xét điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch GTVT, để quyết định các tuyến đường hướng tâm, vành đai, tổ chức lại giao thông. Đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Sở GTVT cũng nên nghiên cứu có nên xây dựng đường hầm qua Sông Hồng không? Tiếp đó là đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án như việc phải nghiên cứu ngay việc hạn chế, kiểm soát việc gia tăng phương tiện: mô tô, ô tô, taxi; Giảm thiểu gia tăng dân số cơ học trên địa bàn Thủ đô. Hơn nữa, TP cũng phải tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó phải nâng cấp hệ thống cải tạo đường nội đô, vành đai 1 – 2- 3, đường hướng tâm, đường cho người đi bộ, đường trên cao, dưới thấp. Bên cạnh đó là đẩy nhanh các tuyến đường sắt đã có vốn (như tuyến đường sắt trên cao về Hà Đông). Phối hợp với Bộ GTVT đẩy mạnh đầu tư các dự án trên địa bàn: như Đại lộ Thăng Long (TP Hà Nội đã đóng góp 5.700 tỷ đồng), hiện là vấn đề quản lý, khai thác. Hay như đường từ Cầu Nhật Tân về sân bay Nội Bài mới được khởi công, TP tiếp tục phối hợp GPMB, đầu tư xây dựng.
Mặt khác, Chủ tịch cũng chỉ đạo việc xây dựng các tuyến đường trên cao phải tính toán đến các yếu tố: kỹ thuật, kiến trúc, hiệu quả, tác động xã hội… để hình thành mạng lưới giao thông mới; tập trung xây dựng các nút giao với giải pháp có lợi nhất.
Ngoài ra, Chủ tịch cũng yêu cầu Sở GTVT phải tăng cường giải pháp giao thông, chống ùn tắc; Phân làn ô tô, xe máy, quy hoạch bãi đỗ xe, giao cho các phường, quận, huyện và cả TP quản lý thống nhất. Ngay cả những việc nhỏ như lát gạch, bó vỉa cũng quản lý thống nhất, trên toàn địa bàn TP không để áp dụng bừa bãi theo kiểu đô thị đa sắc màu. Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng, tổ chức giao thông là vấn đề trọng điểm; đầu tư các điểm đỗ cũng là hướng phát triển của giao thông Thủ đô. Tới đây, TP mới đầu tư được 3 điểm đỗ thông minh; nhưng các khu vực khác cũng phải bố trí hợp lý, tạo các tuyến đường đi bộ. Ngoài ra là khắc phục tình trạng sử dụng đường, vỉa hè thành nơi đỗ xe tràn lan. Tăng cường công tác tuyên truyền ý thức tham gia giao thông và tăng cường kiểm tra, kiểm soát; có đội cơ động để xử phạt.
Có thể thấy, tập trung giải quyết ngay những bức xúc trong phát triển giao thông Thủ đô cũng như định hướng xây dựng mạng lưới giao thông đô thị văn minh, hợp lý là mục tiêu lãnh đạo TP Hà Nội đang quyết tâm hướng tới. Hy vọng với những giải pháp triệt để, quyết liệt, giao thông Hà Nội sẽ phát triển lên một tầm cao mới.