Phát hiện mới về cơ chế đái tháo đường type 2 ở người béo phì

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:56, 17/08/2011

Các nhà khoa học ĐH California mới đây đã giải mã cụ thể được tại sao một chế độ ăn nhiều chất béo có thể dẫn tới đái tháo đường type II.


Thừa cân và béo phì - một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là một trong những yếu tố nguy cơ chính của đái tháo đường type II. Tỷ lệ béo phì gia tăng góp phần làm tăng gấp đôi số ca đái tháo đường trong 30 năm trở lại đây.

Trên tạp chí Nature Medicine, các tác giả đã chỉ ra rằng chất béo làm cản trở quá trình “cảm nhận” lượng đường máu thông qua các tế bào beta ở tuyến tụy; đồng thời khẳng định rằng những hiểu biết sâu hơn về cơ chế này sẽ giúp cho việc phòng và chữa đái tháo đường.

Trong cơ thể, đường máu được kiểm soát bởi tế bào beta của tụy. Nếu lượng đường máu cao, tế bào này sẽ giải phóng ra insulin là một loại hormon giúp làm tăng tiêu thụ glucose, do đó làm hạ mức đường máu. Tham gia quá trình này có vai trò chính của enzym GnT-4a, nó cho phép tế bào beta hấp thụ glucose, qua đó nó có thể nhận biết được lượng đường trong máu.

Những thử nghiệm trên chuột cho thấy với một chế độ ăn giàu chất béo làm tăng axit béo tự do trong máu. Những axit béo tự do cản trở 2 protein là - FOXA2 và HNF1A - là 2 protein tham gia quá trình sản xuất enzym GnT-4a. Kết quả là chúng làm tế bào không nhận ra được lượng đường máu trong cơ thể, do đó biểu hiện những triệu chứng của đái tháo đường type II. Cơ chế này cũng tương tự trên tế bào ở tuyến tụy của người.

Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Jamey Marth cho rằng khi làm tăng lượng enzym GnT-4a sẽ giúp chống lại đái tháo đường type II, cùng với những hiểu biết ở cấp độ phân tử về các phản ứng hóa sinh trong cơ chế bệnh sinh của bệnh đái tháo đường sẽ giúp đề xuất những biện pháp phòng và chữa bệnh mới.

“Chúng ta có thể hy vọng vào việc thực hiện liệu pháp gen trên tế bào beta hoặc dùng các loại thuốc có tác dụng giữ cho tế bào beta tuyến tụy đảm bảo được chức năng bình thường.” Ông cho biết.

Theo BBC, DT