Khoảng tối tại thẩm mỹ viện

Xã hội - Ngày đăng : 09:31, 17/08/2011

Chóng mặt với số tiền phải chi để làm đẹp nhưng lại phát hoảng với tai nạn, biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ.


Đằng sau những khoảng tối ấy còn có những tâm sự trĩu nặng của người kiến tạo nhan sắc mang phận “làm dâu trăm họ”.

'Nuông chiều' có thừa

Phẫu thuật thẩm mỹ trong xã hội hiện đại đang trở thành một xu hướng khá phổ biến. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh của nghiệp dao kéo, không ít người nhận định bức tranh được vẽ bằng những khoảng tối nhiều hơn ánh sáng.

Đôi khi, họ chóng mặt với số tiền phải chi để làm đẹp, nhưng nhận lại là sự phát hoảng của những tai nạn, những biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ.

Gắn bó với nghiệp dao kéo và kiến tạo nhan sắc, thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, Bác sĩ – Thạc sĩ Nguyễn Thành Hải cũng chân thành chia sẻ: “Là người trong cuộc, tôi có thể khẳng định: Phẫu thuật thẩm mỹ là một phẫu thuật tương đối an toàn và ít có biến chứng, nếu được thực hiện đúng và đầy đủ về quy trình, đảm bảo về thiết bị. Chính vì vậy để lại những khoảng tối trong việc phẫu thuật thực sự là những điều đáng suy nghĩ cho người cầm dao kéo".

Bác sĩ - Thạc sĩ Nguyễn Thành Hải (bên phải)

Theo anh Hải, khác với nhiều dạng phẫu thuật khác, một ví dụ rất cụ thể như đối với người mổ ruột thừa, kể cả anh có bị bệnh gì thì vẫn phải mổ, nếu không anh sẽ chết. Còn phẫu thuật thẩm mỹ là phẫu thuật được tiến hành hoàn toàn trên sự tự nguyện của khách hàng.

"Một người hoàn toàn bình thường đi thẩm mỹ chỉ chuẩn bị để đón nhận cái đẹp, mình phải đẹp hơn chứ không phải bỏ tiền để rồi nhận lấy tai nạn, để trở thành một người không còn bình thường nên đó có thể nói là những cú sốc rất lớn” - anh Hải nói.

Không ít khách hàng chưa một lần gặp mặt, mà mới liên hệ với anh qua điện thoại, email hay yahoo nhưng đã thẳng thắn đặt vấn đề: Tôi chỉ cần đẹp, mọi thứ khác sẽ không phải là... vấn đề. Và cứ thế khách đặt tất cả vào bác sĩ.

“Chính từ những tâm lý ấy, hình như bác sĩ thẩm mỹ như chúng tôi đang nhận được sự... nuông chiều quá nhiều mà người bệnh cứ thế vô hình quên đi những quyền lợi của mình. Nhắc tới phẫu thuật thẩm mỹ, người ta thường chỉ đề cập nhiều đến vấn đề chi phí, vấn đề tài chính mà không để ý gì đến những vấn đề như: cơ sở thẩm mỹ đó có giấy phép không, bác sĩ phẫu thuật có nhiều kinh nghiêm không, chất liệu tạo hình có chính hãng không, loại hình phẫu thuật của mình được thực hiện tại phòng khám hay bệnh viện....” – anh Hải chia sẻ.

Một phụ nữ gần 50 tuổi đã từng đến trung tâm Thanh Bình xin được thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, thăm hỏi ban đầu đã khẳng định mình không có lo ngại gì về sức khỏe. Nhưng khi khám theo quy định kết quả: Chị bị huyết áp cao.

Kể câu chuyện này Bác sĩ – Thạc sĩ Thành Hải chia sẻ: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trung tâm tắc trách không kiểm tra kỹ đối với người phụ nữ bị huyết áp cao, nhưng họ đang cố giấu? Đẹp là điều mà con người luôn hướng đến, nhưng không phải để đánh đổi bằng tất cả. Vô hình chung hình như chính khách hàng đang tạo ra những tâm lý quá dễ dãi”.

Nghiệp làm dâu trăm họ

Trong những câu chuyện tâm sự về nghiệp cầm dao kéo hơn hai mươi năm, có lúc bác sĩ cười rất tươi nhưng cũng có không ít những phút hiện lên trên gương mặt là những băn khoăn đầy suy tư.

Khi hỏi về phận làm nghề, anh bảo: “Làm bác sĩ thẩm mỹ cũng chẳng khác gì nâng dao kéo mà đi làm dâu trăm họ. Ai cũng muốn làm vừa lòng nhưng sự vừa lòng phải đi từ cái tâm cái đức của người bác sĩ”.

Rồi anh kể: Đã từng có bệnh nhân đến xin anh tư vấn để nâng ngực. Nghe đến số cc cần bơm vào mỗi bên, chị sợ... to quá mọi người biết mình đi phẫu thuật thẩm mỹ thì ngại, nên yêu cầu anh giảm hẳn xuống. Đến khi thực hiện xong cảm thấy vẫn chưa “đủ dùng”, chị lại quay ra trách cứ: Sao không nhất quyết ngay từ đầu với lượng cc cần bơm. Vừa nói chị vừa vùng vằng: Đợi rồi bơm tiếp cho được thì thôi.

Một cô học sinh vừa tốt nghiệp THCS cũng đến xin được làm thẩm mỹ, một cụ bà gần 80 tuổi vẫn khao khát làm đẹp từ căng da đến nâng ngực… chỉ là số ít những trường hợp Trung tâm thẩm mỹ viện Thanh Bình đã làm họ “mất lòng”.

Thậm chí, có không ít khách hàng khi mở cửa bước ra vẫn còn ném lại những lời đầy trách móc: Không làm nơi này thì làm nơi khác.

Chị Đinh Thị Kim Liên – Giám đốc trung tâm Thẩm mỹ Thanh Bình cho rằng: “Bấy lâu nay, nhắc tới thẩm mỹ nhiều người mặc định vấn đề chỉ là chi phí. Nhưng lại chưa thực sự biết dịch vụ mà mình đang phải chi trả. Đây là điều làm cho họ trở nên thiệt thòi”.

Cái đẹp vẫn luôn là một yếu tố mà con người luôn khát khao vươn đến để có được Chân – Thiện – Mỹ. Không thể phủ nhận được sự phát triển và nhu cầu làm đẹp ngày càng lớn của con người ở mọi lứa tuổi. Nhưng kiến tạo nhan sắc không phải là tất cả.

Theo Vietnamnet