Sức lan tỏa của hàng nội
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 08:04, 17/08/2011
Hàng nội đã chiếm 90% tại các siêu thị.Ảnh: Chí Lâm
Hiện nay, NTD đã có thay đổi và có những đánh giá khách quan hơn về chất lượng hàng nội địa. Từ chỗ khan hiếm, đến nay hàng hóa trong nước đã đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường, giá hợp lý. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp, biên giới, hải đảo... đã giúp NTD tiếp cận trực tiếp với thương hiệu Việt, có thêm thông tin để đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển. Các chuyên gia cho rằng, hàng Việt đã lan tỏa, ngày càng có nhiều trên các kệ hàng trong siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ ở cả thành thị và nông thôn. Tại siêu thị của Hapro, Fivimart, BigC... hàng nội đã chiếm 70-90%, tăng nhanh so với vài năm trước đó. Đến nay, hơn 60% NTD quan tâm, ưu tiên sử dụng hàng "nội", nhất là với các sản phẩm dệt may, những tháng đầu năm nay, tuy NTD phải thắt chặt chi tiêu song các sản phẩm này vẫn tăng trưởng ở mức 22-25%.
Tuy nhiên, để cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tiếp tục đạt hiệu quả, nhiều nhà quản lý, chuyên gia cũng không khỏi băn khoăn, trong đó có việc làm thế nào tìm được nguồn kinh phí hỗ trợ cho DN tham gia tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp, miền núi, biên giới và hải đảo… Các nhà sản xuất trong nước cần có sản phẩm khác biệt, giá cạnh tranh, đồng thời nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa để thuyết phục NTD tin dùng hàng Việt. NTD mong muốn có nhiều thông tin về hàng hóa, sản phẩm. Vậy vai trò của các nhà phân phối, bán lẻ, với tư cách là những người trực tiếp giao dịch hằng ngày với NTD sẽ phải thay đổi ra sao? Thực tế những năm gần đây, tốc độ nhập khẩu nhiều mặt hàng như điện máy, thiết bị, nguyên nhiên liệu, thực phẩm... tăng nhanh, nhất là kim ngạch nhập khẩu hàng tiêu dùng từ nước láng giềng Trung Quốc chiếm gần 30%, trong khi nhập từ các nước khác chỉ 7-10% đã cho thấy sức cạnh tranh của các sản phẩm trong nước còn yếu. Như vậy, muốn nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt, ngành chức năng cần xem lại chiến lược sản xuất, nhất là chủ trương về phát triển công nghiệp phụ trợ để sản xuất hàng trong nước thay thế hàng nhập khẩu, trên cơ sở sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hóa để trở thành "mắt xích" trong chuỗi sản xuất hàng hóa của thế giới, nhằm giảm chi phí và đạt hiệu quả cao.
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có hơn 1.000 DN tham gia 50 đợt bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Số lượng người dân mua hàng Việt tăng đáng kể. Riêng ở Hà Nội, Ban chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt đến với NTD, trong đó tổ chức 53 điểm bán hàng giảm giá với 23 DN tham gia. Ngoài ra, Hà Nội còn thực hiện "Tuần bán hàng vì NTD", tổ chức 398 điểm bán hàng bình ổn giá cùng nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Năm nay, tổng mức vốn TP Hà Nội cấp cho các DN tạm ứng để dự trữ và bán hàng bình ổn các mặt hàng là 475 tỷ đồng, tăng 75 tỷ đồng so với năm trước. Đến nay, Hà Nội đã cấp vốn đợt 1 cho 11 DN, tổng số tiền hơn 319 tỷ đồng nhằm trữ hàng phục vụ bình ổn giá. Tính đến đầu tháng 8, đã có 22 phiên chợ và những chuyến hàng lưu động bán hàng Việt được tổ chức ở các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Đan Phượng, Mê Linh, Sóc Sơn, Thường Tín, Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm và Khu công nghiệp Phú Nghĩa. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã chủ động huy động thêm vốn để dự trữ hàng hóa thiết yếu; các trung tâm thương mại và siêu thị như Metro, BigC, Fivimart… cũng thu mua, trữ hàng số lượng gấp 2-3 lần so với các tháng bình thường nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân... |