Xây dựng “căn cứ địa” cho hàng Việt

Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 17/08/2011

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tại TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Công thương của 23 tỉnh, thành phố và doanh nghiệp (DN) tổ chức được 67 chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn". Với trên 70% dân số, thị trường nông thôn đang là mảnh đất tiềm năng với các DN trong nước khi muốn xây dựng "căn cứ địa" lâu dài tại đây.

Để nông dân "tin" và "dùng"

Là một trong những DN liên tục đồng hành cùng chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn", Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood (TP Hồ Chí Minh) đã thu được nhiều kết quả khả quan, tạo hiệu ứng tốt đối với người tiêu dùng (NTD) nông thôn sau mỗi chương trình. Đánh giá về tiềm năng của thị trường nông thôn, ông Trần Hữu Đức, Giám đốc quan hệ công chúng NutiFood cho biết: "Nông thôn sẽ là thị trường phát triển tiềm năng trong tương lai của các DN hàng tiêu dùng Việt Nam sau những khởi sắc về tăng trưởng mức sống, dịch vụ… Doanh thu sau khi tham gia chương trình của chúng tôi đạt kết quả rất tốt, có khu vực tăng từ hơn 200% đến 400%... Đó là lý do khiến NutiFood cũng như nhiều DN Việt Nam tích cực tham gia các chuyến bán hàng về nông thôn".

Người dân mua hàng hóa của chương trình “Hàng Việt về nông thôn”.

NutiFood là một trong số 200 DN tham gia chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" do BSA tổ chức từ đầu năm đến nay. Đại diện Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cũng thừa nhận, nông thôn là thị trường không mới nhưng còn nhiều khoảng trống, vì thế khi đưa hàng về chiếm lĩnh thị trường này, công ty phải lựa chọn sản phẩm phù hợp với từng địa bàn. Điều mà Acecook luôn tâm niệm là bên cạnh việc đưa ra các chiến dịch bán hàng thì chất lượng hàng hóa phải luôn bảo đảm. Đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu Vĩnh Thuận cũng cho rằng, mục đích tham gia chương trình của công ty là để được NTD "tin dùng". Để người dân "tin" thì dễ nhưng muốn được họ "dùng" thì các DN Việt Nam phải chứng minh được rằng sản phẩm của mình phải có chất lượng tốt, giá cả hợp lý…

Không chỉ là cầu nối đưa hàng Việt đến tay NTD nông thôn, chương trình còn tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa xã hội như chăm lo cho cộng đồng (khám, chữa bệnh, phát thuốc, tư vấn dinh dưỡng miễn phí...); mở rộng hệ thống phân phối; tư vấn huấn luyện cho tiểu thương tại các chợ; tư vấn nông nghiệp cho nông dân... Sắp tới chương trình sẽ tạo thêm cơ hội cho nhiều DN Việt hiểu hơn về thị trường và thói quen tiêu dùng của người dân nông thôn thông qua những hoạt động trên.

Cần xây dựng chiến lược lâu dài

Chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" vừa tổ chức tại huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) từ ngày 13 đến 15-8 là phiên chợ thứ 67 mà BSA phối hợp với sở công thương của 23 tỉnh, thành thực hiện từ đầu năm đến nay. Ông Phan Kim Sa, Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp cho biết: "Việc đưa hàng Việt về nông thôn để NTD tại các huyện, thị xa xôi có cơ hội tiếp cận là cần thiết. Thông qua các phiên chợ, có thể thấy mức độ quan tâm và tiêu thụ hàng hóa của vùng nông thôn ngày càng tăng và NTD cũng ngày càng tin tưởng vào các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao. Đồng Tháp sẵn sàng tạo điều kiện kết nối các DN với các kênh phân phối tại địa phương nhằm tạo ra dòng hàng Việt ổn định phục vụ tại nông thôn".

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, tham gia chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" thời gian qua chỉ có DN trong nước chứ không có DN nước ngoài hoặc liên doanh. Vì thế đây là cơ hội để DN trong nước thâm nhập thị trường sâu hơn. Sau thời gian lao đao, cầm cự để tồn tại, các DN trong nước đã dần khẳng định được chỗ đứng của mình. Đối với DN nước ngoài, thị trường Việt Nam không còn là "mảnh đất trống" dễ thâu tóm như lo ngại trước đây của nhiều người. Do đó, sự chủ động chính là chìa khóa thành công cho DN Việt Nam trong cuộc chiến giành lại thị trường của mình.

Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, để thị trường nông thôn thực sự thuộc về DN Việt Nam, Bộ Công thương nên hỗ trợ các DN trong những chuyến hàng đầu tiên. Tham gia cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" chủ yếu là DN vừa và nhỏ, trong khi chi phí cho những chuyến đưa hàng về nông thôn khá tốn kém, nếu không có cơ chế hỗ trợ thì các DN khó trụ được trong thời gian dài, khiến thị trường nông thôn bị bỏ ngỏ. "Muốn cạnh tranh tốt, các DN Việt phải nắm bắt được quy luật vận hành và dòng chảy của hàng hóa, đồng thời cần có một chiến lược kinh doanh chuyên nghiệp, lâu dài. Đưa hàng về nông thôn là xây dựng "căn cứ địa" lâu dài cho hàng Việt, và muốn thế chúng ta cần kiên trì và làm mới phương thức vận động, tiếp cận" - bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh.

Đình Hiệp