Gập ghềnh đường đua vào Nhà Trắng

Thế giới - Ngày đăng : 06:31, 17/08/2011

(HNM) - Cuộc đua vào ghế Tổng thống Mỹ năm tới đã thật sự sôi động khi Thống đốc bang Texas Rick Perry vừa tuyên bố ra tranh cử, nâng số thành viên đảng Cộng hòa tham gia cuộc đua tới Nhà Trắng lên 16.

Trong khi đó, đảng Dân chủ chỉ mới có 2 ứng viên với đương kim Tổng thống Barack Obama là trụ cột. Cuộc đua không cân sức - về số lượng ứng viên - khiến nước Mỹ như tạm quên những nóng bỏng về cơm áo gạo tiền đang diễn ra; đồng thời dự báo một chặng đường hết sức gập ghềnh đã ở ngay phía trước các ứng viên.

Nữ nghị sĩ M.Bachmann và Thống đốc bang Texas R.Perry đang là hai ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa.

Là ứng viên mới nhất, ông Rick Perry được đánh giá là đối thủ nặng ký với thành tích nổi bật, 3 lần liên tiếp được bầu làm Thống đốc Texas. Ông chủ vựa dầu này của Mỹ có thể tự hào khi bang Texas do ông lãnh đạo chiếm tới 37% số việc làm tạo ra trên toàn quốc kể từ khi xảy ra cuộc suy thoái năm 2008. Không thể phủ nhận R.Perry (sinh năm 1950) là Thống đốc tại vị lâu nhất ở một bang của nước Mỹ nhờ mang lại sự hưng thịnh cho Texas. Khi Mỹ tiếp tục phải đối đầu với các vấn đề kinh tế, chắc chắn R.Perry sẽ được nhiều người ủng hộ, kể cả cử tri phe tự do. Một lý do nữa khiến R.Perry được lòng cử tri, nhất là phe bảo thủ - là ông đã từng tại ngũ. Các cuộc thăm dò mới nhất ghi nhận, ông R.Perry là một trong số những ứng viên cao điểm nhất của đảng Cộng hòa.

Một gương mặt sáng giá khác rất có tiềm năng trở thành ứng cử viên cho đảng Con voi là nữ nghị sĩ Michele Bachmann của bang Minnesota. Trong cuộc bỏ phiếu của đảng Cộng hòa tại bang Iowa với hơn 17.000 người tham gia cuối tuần trước (14-8), bà M.Bachmann đã giành thắng lợi với 4.823 phiếu, tiếp đến là ứng cử viên Ron Paul từ bang Texas 4.671 phiếu, đứng thứ ba là Tim Pawlen, cựu Thống đốc bang Minnesota 2.293 phiếu. Iowa là bang đầu tiên mà những người Cộng hòa bỏ phiếu cho các ứng cử viên của họ trong chiến dịch bầu cử năm 2012. M.Bachmann (55 tuổi), là nghị sĩ được phong trào Tea Party (đảng Trà) yêu thích. Theo đường lối bảo thủ, nữ nghị sĩ M.Bachmann được nhiều cử tri ủng hộ do không tán đồng chương trình cải cách y tế của chính phủ đương nhiệm. Tuy nhiên, ngoài phạm vi bang Iowa, M.Bachmann còn phải gây niềm tin cho nhiều giới ngoài các cử tri bảo thủ của Cộng hòa, bởi nữ nghị sĩ còn quá mới mẻ. Mặc dù tháng 8-2012, Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa mới chọn ra đại diện chính thức cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, nhưng những gương mặt sáng giá của đảng Con voi đã dần lộ diện. Dẫu có số lượng áp đảo, nhưng xem ra sức mạnh của chú Voi vẫn mất hút trong một cuộc "lật đổ" đầy tham vọng song chưa rõ phương hướng.

Trong khi đó, Tổng thống B.Obama đang vấp phải những khó khăn khi hơn 50% người dân Mỹ cho rằng siêu cường này đang đi chệch hướng, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao (trên 9%). Uy tín của người đứng đầu nước Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, chỉ còn 39% dân chúng ủng hộ. Đặc biệt câu chuyện nâng trần nợ công cũng như việc Mỹ bị hạ mức xếp hạng tín dụng tiếp sau đó khiến Tổng thống B.Obama bị hoài nghi về năng lực chấn hưng nước Mỹ. Thêm vào đó, dự luật Cải cách y tế mà Tổng thống B.Obama ban hành năm 2010 đang gặp trở ngại lớn khi 26 bang đã kiện lên Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ. Theo đó, điều khoản yêu cầu công dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế (bắt đầu từ năm 2014) nêu trong dự luật là vi hiến. Rõ ràng, sự phản đối của đảng Cộng hòa với dự luật Cải cách y tế đang biến cuộc cải cách y tế thành một "quả bom" chính trị có uy lực lớn với Tổng thống đương nhiệm và đảng Dân chủ, đánh mạnh vào tỷ lệ ủng hộ của dân Mỹ với B.Obama. Đương nhiên, điều này có lợi cho đảng Cộng hòa. Trước những khó khăn đang vây bủa, từ ngày 15-8, Tổng thống Mỹ B.Obama đã có chuyến đi tới 3 bang miền Trung - Tây nước Mỹ gồm: Iowa, Minnesota và Illinois để khởi động chiến dịch tái tranh cử tổng thống năm 2012. Tại 3 bang, ông B.Obama đã cố gắng giải tỏa những hoài nghi của cử tri khu vực vốn được đánh giá là có ý nghĩa quyết định sự thành bại trong lần tái tranh cử sắp tới.

Các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong quá khứ cho thấy, thành tích cá nhân của ứng viên không quan trọng bằng chính sách tranh cử được đưa ra. Bất kỳ ứng viên nào vào ghế tổng thống của nước Mỹ tới đây cũng phải tìm ra câu trả lời cho 2 vấn đề lớn mà xứ Cờ hoa đang đối mặt. Đó là việc làm và giải quyết thâm hụt ngân sách.

Đây không chỉ là thách thức với những người đang nuôi mộng bước vào Nhà Trắng mà còn thực sự là bài toán khó của nước Mỹ ngay trong thời điểm này.

Thùy Dương