Cần chính sách phù hợp

Chính trị - Ngày đăng : 06:57, 16/08/2011

(HNM) - Trong việc bố trí nhân sự cho Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo


Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ đã có quyết định giao biên chế công chức năm 2011 cho các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, tại các bộ, ngành, đặc biệt là tại các địa phương thì hầu hết biên chế công chức của Phòng Kiểm soát TTHC được giao còn thiếu so với chỉ đạo của Thủ tướng cũng như khối lượng và yêu cầu công việc của phòng, gây khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ được giao. Đến nay, chỉ có 8/24 bộ, ngành và 13/63 địa phương bố trí được biên chế tối thiểu là 5 nhân sự cho Phòng Kiểm soát TTHC, còn lại hầu hết bố trí từ 2 đến 4 nhân sự.

Theo quy định, Phòng Kiểm soát TTHC thuộc văn phòng bộ, ngành, địa phương phải thực hiện 15 nhóm chức năng, nhiệm vụ để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ TTHC ngay từ khâu dự thảo cho đến việc thực thi các quy định này tại các bộ, ngành, địa phương. Thực tiễn thực hiện Đề án 30 cho thấy, cải cách TTHC là một việc khó (nhiều va chạm, sức ép, đòi hỏi cán bộ không những có kiến thức chuyên môn cả về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật mà còn phải tâm huyết, chấp nhận va chạm…). Việc thu hút cán bộ có trình độ về làm việc tại các tổ công tác thực hiện Đề án 30 gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các thành viên tổ công tác thực hiện Đề án 30 và chánh văn phòng các bộ, ngành, địa phương được hưởng phụ cấp trách nhiệm tương đương cấp trưởng phòng trong thời gian làm việc tại tổ công tác.

Hiện nay, để triển khai nhiệm vụ kiểm soát TTHC theo quy định tại Nghị định 63 và Nghị định số 20, khối lượng công việc của hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC tăng lên gấp nhiều lần. Cụ thể, bên cạnh việc cho ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC và rà soát các TTHC đã được ban hành (tương tự như việc rà soát TTHC theo Đề án 30 trước đây), cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC còn đảm nhiệm việc công khai, minh bạch TTHC sau khi ban hành; kiểm soát việc thực thi TTHC trong thực tiễn và tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính. Đây là công việc đem lại lợi ích to lớn, góp phần tránh lãng phí cho xã hội, vì vậy, việc bố trí đủ số lượng cán bộ tâm huyết, có năng lực, trình độ là việc cấp thiết. Tuy nhiên, để thu hút cán bộ có trình độ về đảm đương trọng trách nặng nề này thì cũng cần phải có chính sách đãi ngộ phù hợp.

Nên chăng, tiếp tục việc duy trì chế độ phụ cấp trách nhiệm tương đương cấp trưởng phòng đối với cán bộ thuộc biên chế của cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC để động viên các cán bộ làm tốt trọng trách của mình.

Nguyễn Hiền