Phải thay đổi nhận thức

Xe++ - Ngày đăng : 06:55, 16/08/2011

(HNM) - Sau hai năm nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước của Hà Nội đã đạt được kết quả đáng khích lệ.


Hà Nội không còn địa bàn "trắng" CNTT, các phần mềm ứng dụng dùng chung bước đầu sử dụng có hiệu quả, tạo nền móng ban đầu cho quá trình xây dựng "cơ quan điện tử" và tiến tới "chính quyền điện tử Thủ đô" giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị đang có xu hướng "tụt hậu"…

Hết vùng "trắng" công nghệ thông tin…


Ứng dụng CNTT giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Linh Tâm

Với mục đích ứng dụng CNTT nhằm nâng cao năng lực quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, phục vụ đắc lực các mục tiêu, chương trình cải cách hành chính (CCHC), trong hai năm qua, TP Hà Nội đã tập trung đầu tư trang thiết bị, hạ tầng CNTT, nâng cấp, xây dựng mới các trang thông tin điện tử cho các đơn vị. Đồng thời, triển khai các giải pháp ứng dụng phù hợp như: Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, thư điện tử, phần mềm "một cửa" cấp quận, huyện; tập huấn đào tạo CNTT và truyền thông (đã đào tạo được 500 công chức và 90 cán bộ chủ chốt sở, ban, ngành, quận, huyện và thị xã, trong đó có 30 cán bộ đã được đào tạo tại Singapore)... Đến nay, Hà Nội đã và đang hoàn thành xây dựng cơ bản hạ tầng dùng chung, bao gồm: Trung tâm dữ liệu "Trái tim nền hành chính điện tử" (sẽ khánh thành trong quý IV-2011); mạng WAN của TP đã kết nối tới 116 điểm, đã quy hoạch xong địa chỉ IP và cuối năm nay sẽ hoàn tất việc kết nối mạng WAN xuống 577 xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, cổng giao tiếp điện tử TP được đổi mới toàn diện, đã đăng 1.639 thủ tục hành chính (TTHC) cấp sở, ngành và 1.358 TTHC cấp quận, huyện; kịp thời đăng tải các công văn của UBND TP để phục vụ tổ chức và công dân. Hằng ngày có hàng chục nghìn người truy cập vào cổng giao tiếp điện tử TP.

Tại các đơn vị, việc ứng dụng CNTT cũng đã cho thấy những kết quả bước đầu. TP đã thực hiện giao ban trực tuyến với các đơn vị; 100% số đơn vị sử dụng thư điện tử; 72,5% số đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; 74,6% số đơn vị sử dụng phần mềm quản lý CBCC... và nhiều phần mềm nữa vẫn đang tiếp tục được triển khai. Sắp tới, Hà Nội sẽ có hệ thống các thông tin quản lý đô thị, địa chính, kinh tế, văn hóa - xã hội và sẽ công bố 11 dịch vụ công mức 3 nhằm chấm dứt việc phải "bôi trơn" mới được giải quyết công việc.

… nhưng chuyển biến chưa đồng bộ

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông đã công bố kết quả xếp hạng ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước TP Hà Nội năm 2010-2011. Đây là lần đầu tiên sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội thực hiện việc xếp hạng này. Việc chấm điểm, xếp hạng dựa trên cơ sở khảo sát thực tế và căn cứ vào 4 chỉ tiêu: Chính sách ứng dụng và phát triển CNTT; hạ tầng CNTT; các ứng dụng CNTT; nguồn nhân lực CNTT. Qua đó đã lượng hóa được kết quả ứng dụng CNTT của từng cơ quan, đơn vị. Kết quả công bố lần này cũng làm nhiều người giật mình vì ngay tại một số cơ quan có các TTHC liên quan trực tiếp đến nhu cầu giao dịch của tổ chức, công dân thì lại bị xếp loại yếu. Cụ thể, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Xây dựng bị xếp loại yếu vì chưa xây dựng trang tin điện tử để cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời. Việc ứng dụng CNTT cũng chưa đồng đều giữa các đơn vị. Trong khi TP nỗ lực và đã hoàn thành xóa vùng "trắng" về CNTT thì ngay trong nội thành, quận Hai Bà Trưng vẫn bị xếp loại yếu. Theo bà Kim Lan Hương, Trưởng phòng Ứng dụng CNTT (Sở Thông tin và Truyền thông), quận Hai Bà Trưng có hạ tầng CNTT yếu do chưa có website riêng để cung cấp các dịch vụ công, hầu hết cán bộ công chức ở đây chưa sử dụng CNTT vào quy trình tác nghiệp… Kết quả chấm điểm cũng cho thấy, số huyện xếp loại yếu còn khá nhiều (Sóc Sơn, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Phú Xuyên, Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức, Ba Vì, Thanh Oai, Ứng Hòa, Thường Tín, Mê Linh). Tương tự, kết quả xếp hạng ở khối ban, văn phòng cũng có sự chênh lệch đáng kể. Ngoài Văn phòng UBND TP dẫn đầu cả 4 lĩnh vực (hạ tầng, ứng dụng, nguồn nhân lực và chính sách ứng dụng CNTT) thì ứng dụng trong nội bộ và nguồn nhân lực CNTT của các ban đều ở mức yếu… Bên cạnh đó, còn có một số đơn vị như Sở Tư pháp, giao thông vận tải, quận Hoàn Kiếm… không gửi báo cáo tình hình thực hiện ứng dụng CNTT của mình về Sở Thông tin và Truyền thông nên không có tên trong bảng xếp hạng.

Quá trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng nền hành chính điện tử là một quá trình lâu dài, cần nhiều thời gian, công sức. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phạm Quốc Bản khẳng định: "Ứng dụng CNTT đặc biệt phụ thuộc vào nhận thức và hành động của thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Vì thế, việc chấm điểm không chỉ dừng lại ở nội dung xếp hạng mà còn để mỗi cơ quan, đơn vị thấy được chất lượng ứng dụng CNTT khi so sánh với các đơn vị khác trong TP và so với yêu cầu thực tiễn, từ đó xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch về ứng dụng CNTT giai đoạn 2011-2015 ".

Phong Thu