Gian nan đường đến trường của trẻ có “H”
Xã hội - Ngày đăng : 06:55, 16/08/2011
Một giờ học của trẻ em có HIV tại Trung tâm 2 Ba Vì (Hà Nội). |
Gian nan đường đến trường
Nguyễn Thị Thu Phương (11 tuổi, ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) năm học này sẽ lên lớp 3, so với các bạn cùng tuổi, em học muộn vài năm, lý do bởi em có "H". Phương có hoàn cảnh éo le. Bố, mẹ qua đời vì HIV/AIDS, Phương được ông nội đón về nuôi dưỡng, chăm sóc. Đến tuổi đi học nhưng không trường nào nhận em. Nhiều lúc em hỏi ông nội: "Ông ơi, tại sao người ta không cho cháu đi học?". Thương đứa cháu mồ côi bất hạnh, ông Tuyến đã gửi thư cầu cứu khắp nơi. Các cơ quan báo chí vào cuộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Động can thiệp, rồi nhiều buổi thuyết phục đẫm nước mắt của người ông, Phương mới được nhà trường nhận.
Em Nguyễn Thu Thủy, 15 tuổi và nhiều bạn cùng cảnh ngộ có "H" hiện phải học ghép ở Trung tâm Giáo dục lao động số 2 Ba Vì, Hà Nội. Thủy cũng đã từng được cắp sách đến Trường Tiểu học Yên Bài B (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) để học hòa nhập. Nhưng niềm vui của em và năm người bạn nữa chỉ kéo dài được có vài ngày. Nhiều bậc phụ huynh đã xông vào lớp học lôi xềnh xệch Thủy và các bạn ra khỏi cổng trường.
Đừng tước đi quyền của các em!
Kết quả điều tra của các nhà chuyên môn cung cấp tại hội thảo mang tên "Con đường đến trường cho trẻ nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV: Cơ hội và thách thức" do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam và Ủy ban châu Âu tổ chức mới đây tại Ba Vì, Hà Nội khẳng định, hiện tại một số tỉnh, thành trong cả nước vẫn còn xuất hiện tình trạng trẻ em có "H" không được đến trường hoặc bị gây khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ giáo dục. Bà Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế và HIV/AIDS giải thích, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người lo lắng về nguy cơ trẻ em bị lây nhiễm HIV trong các hoạt động vui chơi của trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế virus HIV chỉ lây qua ba đường là đường máu, đường quan hệ tình dục và từ mẹ truyền sang con. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Viện Nhi trung ương khẳng định: "Tiếp xúc thông thường với trẻ nhiễm HIV không bị lây nhiễm và cho đến nay cũng chưa có báo cáo nghiên cứu nào về lây nhiễm HIV do bị cào cấu hoặc cắn gây ra".
Theo ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (thuộc Bộ LĐ-TB&XH), để giúp trẻ nhiễm HIV có cơ hội tiếp tục học tập hòa nhập, cha mẹ và cộng đồng cần hiểu chính xác và đầy đủ về HIV, biết phòng, tránh lây nhiễm HIV đúng cách. Các phụ huynh không nên gây áp lực với nhà trường để ngăn cản trẻ em nhiễm HIV được cùng học với trẻ em khác. "Chúng ta nên bổ sung vào nghị định bảo vệ chăm sóc trẻ nếu phụ huynh nào có hành vi vi phạm nghiêm trọng thì có thể bị truy tố. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh tuyên truyền giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em nhiễm HIV. Không đổ lỗi, buộc tội trẻ em về các hành vi của cha mẹ hay người thân của các em", ông An nhấn mạnh.