Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Phú Diễn, Từ Liêm): Trường học 2 trong 1

Giáo dục - Ngày đăng : 06:47, 16/08/2011

(HNM) -

Lớp học trong công trường.


Có mặt tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, chúng tôi cảm nhận được ngay việc phản ánh của bạn đọc là có căn cứ. Toàn bộ khuôn viên trường đang trở thành công trường. Việc học tập của học sinh và lao động của công nhân xây dựng diễn ra cùng lúc. Dãy nhà 2 tầng bên trái đang đầy kín học sinh trong các lớp, thì ngoài hiên, nhiều công nhân vẫn mải miết quét vôi ve. Dãy nhà bên phải, gần với lối ra vào cổng trường đang xây thô lên tầng 4, chưa đổ trần nên sau mỗi trận mưa, nước nhỏ tong tỏng từ trên xuống dưới. Các cửa ra vào, cửa sổ mới được đặt khuôn, trống hoác. Cả một dãy hành lang chưa có lan can, ngoài một thanh sắt hình chữ U và sợi dây thừng buộc từ cột trụ nọ sang cột trụ kia để cảnh báo nguy hiểm. Trong lớp, học sinh ngồi học dưới những tấm vải bạt che mưa, bụi và 2 ngọn đèn compắc. Nửa sân trường luôn ngập ngụa đất cát, với ngổn ngang xe đạp dựng lộn xộn không theo hàng lối, nửa còn lại là nơi tập kết VLXD...

Cô Hiệu trưởng Vũ Thị Phương Anh cho biết, đầu năm 2011, Trường Minh Khai được Sở Giáo dục - Đào tạo đầu tư dự án xây dựng và cải tạo với các hạng mục sửa chữa dãy nhà 2 tầng, xây mới dãy nhà 4 tầng. Tiến độ thi công 280 ngày, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 8 này, nhưng đến nay vẫn bộn bề, vì vậy, việc các em phải học chung với công trường sẽ còn kéo dài. Trước khi xây dựng, Trường Minh Khai có 18 phòng học, bố trí 2 ca học sáng, chiều, được 36 lớp. Trong đó ưu tiên khối lớp 12 học sáng để bảo đảm thi tốt nghiệp và đại học. Khi xây dựng, do thiếu phòng học, 2 khối 10 và 11 phải phân chia lịch học ngày chẵn, lẻ khác nhau. Riêng thứ ba, cả 2 khối cùng có lịch học nên phải tận dụng cả những phòng học đang thi công. Việc nhà trường yêu cầu ký cam kết ba bên: học sinh, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm cùng phối hợp bảo ban con em thực hiện tốt nội quy nhà trường; cảnh giác không đùa nghịch tại khu vực công trường và giờ tan lớp luôn có người đứng tại hành lang nhắc nhở an toàn cho các em.

Được biết, bên cạnh việc đầu tư dự án, thành phố cũng quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để nhà trường bố trí chỗ học tạm cho học sinh. Nhưng theo bà Phương Anh, việc tìm địa điểm học rất khó khăn và nhiều thủ tục rắc rối. Năm học trước, nhà trường mượn được một số phòng học tại Trường THCS Cầu Diễn, nay phải trả để trường bạn vào năm học mới. Trong khi đó, từ ngày 1-8, học sinh Trường Minh Khai cũng đã tập trung nên bắt buộc phải sử dụng những phòng học như vậy.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngoài các lớp học chính khóa của Trường Minh Khai đang phải học chung cùng công trường, còn một số lớp học thêm trong những phòng học vừa mới xây xong phần thô, nên không an toàn cho học sinh.

Chúng tôi quan sát và nhận thấy, cách Trường Minh Khai vài trăm mét là Trường THCS Phú Diễn khá rộng rãi đang vắng bóng học sinh. Vậy việc tìm địa điểm học tạm cho các em ở Trường Minh Khai có thực sự khó khăn hay là chưa có sự tính toán khoa học, hợp lý giữa nhà trường với các ban, ngành chức năng cũng như chưa phát huy hiệu quả sự điều tiết của cơ quan chủ quản?  

Bài, ảnh Thùy Ngân