Thị trường thức ăn chăn nuôi sẽ bị thao túng?

Kinh tế - Ngày đăng : 06:11, 16/08/2011

(HNM) - Sự kiện Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu của Hongkong (CPP) tuyên bố giành quyền kiểm soát 70,82% cổ phần của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận...

Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra sau khi có thông tin cho rằng, việc mua lại CP Việt Nam sẽ hỗ trợ cho hàng chục nhà máy của CPP ở Trung Quốc trong việc thu gom ồ ạt nguyên liệu thô, cũng như thao túng giá lương thực, thực phẩm. Trước những thắc mắc của dư luận, ngày 15-8, tại KCN Biên Hòa II tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo CP Việt Nam đã có cuộc họp báo chính thức đầu tiên xung quanh vấn đề này.

Giành quyền chi phối 70,82% cổ phần
Tập đoàn lương thực, thực phẩm hàng đầu của Thái Lan (CPG - trụ sở chính tại Thái Lan) có giá trị hơn 5,5 tỷ USD, với 250 công ty thành viên ở 20 quốc gia, có 2 công ty chính là CPP Hongkong và CPF Thái Lan.

CP Việt Nam thành lập năm 1993, với 100% vốn đầu tư nước ngoài, trong đó CPF Thái Lan là công ty mẹ. Mọi tranh cãi đã nổ ra khi tháng 7 vừa qua, CPP tuyên bố bỏ ra 609 triệu USD (hơn 12.000 tỷ đồng) để giành quyền chi phối 70,82% cổ phần của CP Việt Nam. Đây là một trong những thương vụ mua lại, sáp nhập lớn nhất tại Việt Nam. Sau khi hoàn tất vụ chuyển nhượng, CPP chính thức nắm quyền kiểm soát CP Việt Nam.

Trong thư gửi các cổ đông ngày 21-6-2011, Ban giám đốc CPP cho biết ý định mua lại CP Việt Nam có từ đầu năm 2011. Theo đó, CPP sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn và mua lại Modern State - công ty con của Tập đoàn CPG. Sau khi sát nhập, Modern State trở thành công ty con của CPP và CPP đương nhiên gián tiếp sở hữu CP Việt Nam. Số cổ phần 29,18% còn lại của CP Việt Nam vẫn thuộc sở hữu của Tập đoàn CPG.

Trong cuộc họp báo, ông Montri Suwanposri, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn CPG, cho biết: "Lý do quan trọng nhất trong thương vụ này là giúp CPG dễ dàng hơn trong việc huy động vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Tôi xin khẳng định rằng, việc CPP mua lại CP Việt Nam không ảnh hưởng gì đến thị trường thức ăn chăn nuôi, thực phẩm… của Việt Nam, bởi thực tế CPP vẫn thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn CPG".

Không thay đổi chiến lược tại Việt Nam
Trước một loạt câu hỏi về việc mua lại CP Việt Nam sẽ hỗ trợ cho hàng chục nhà máy chế biến của CPP đóng ở Trung Quốc trong việc cung cấp nguyên liệu thô đang được DN Trung Quốc thu gom rầm rộ tại Việt Nam thời gian qua, vụ mua bán này sẽ tác động tới thị trường chăn nuôi Việt Nam vì nếu khan hàng, Trung Quốc sẽ thông qua CP để nhập khẩu thịt (lợn, gà), còn nếu ứ hàng sẽ "đẩy" sang Việt Nam, Phó Tổng giám đốc CP Việt Nam Sooksunt Jiumjaiswanglerg khẳng định: "CP Việt Nam là của Việt Nam, của người dân Việt Nam. Tôi bảo đảm không có chuyện CPP sẽ gom hàng hay thao túng giá tại thị trường Việt Nam thông qua CP Việt Nam. CPG là tập đoàn lớn trên thế giới nên chúng tôi không bao giờ làm sai luật, đặc biệt liên quan đến lợi ích của người dân cũng như nước sở tại đang đầu tư kinh doanh". Ông Sooksunt cho rằng, việc thu gom ồ ạt nguyên liệu thô sản xuất thức ăn chăn nuôi về Trung Quốc là rất khó, bởi thực tế Việt Nam đang thiếu đến 40% nguyên liệu và trong tương lai con số này sẽ lên tới 50%.

Các DN chăn nuôi trong nước đang lo ngại về nguy cơ thị trường chăn nuôi bị thâu tóm sau thương vụ này, bởi trước đây, CP Việt Nam cũng từng bị dư luận cho là thao túng thị trường chăn nuôi. Mặc dù còn quá sớm để nhận định thương vụ trên sẽ tác động đến thị trường Việt Nam như thế nào, nhưng rõ ràng chủ trương mua lại, thâu tóm những tập đoàn lớn trên thế giới để dần khống chế nền kinh tế của quốc gia liên quan, đang khiến dư luận quan ngại. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, một thị trường có nhiều DN tham gia, kể cả DN 100% vốn nước ngoài, sẽ tạo môi trường cạnh tranh tốt. Nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi sẽ đẩy giá thu mua thịt (lợn, gà) cao hơn, có lợi cho "tam nông", hạn chế tình trạng độc quyền, ép giá.

Đình Hiệp