Vì sao vẫn "nhùng nhằng"?
Xã hội - Ngày đăng : 07:15, 15/08/2011
Ngày 13-12-2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ban hành Quyết định số 2420/QĐ-UBND thu hồi hơn 68ha đất nông nghiệp tại thôn Cổ Trai, Kiều Đoài và Kiều Đông, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên để xây dựng cụm công nghiệp Đại Xuyên. Sau khi thực hiện xong việc bồi thường GPMB sẽ giao cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G (Công ty N&G) đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp. Do thay đổi một số chính sách trong công tác GPMB nên năm 2008 dự án chưa thực hiện được. Năm 2010, xét đề nghị của UBND TP Hà Nội và ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép mở rộng chuyển đổi cụm công nghiệp Đại Xuyên thành KCN hỗ trợ Nam Hà Nội. Dự án này được thực hiện theo hướng đầu tư phân kỳ, phù hợp với khả năng thu hút đầu tư, bảo đảm hiệu quả sử dụng đất và gắn với quy hoạch đô thị, dịch vụ, nhà ở công nhân KCN. Ngày 8-9-2010, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 7119/UBND-CT giao cho Công ty N&G triển khai lập quy hoạch, dự án đầu tư, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cụm công nghiệp Đại Xuyên và xác định đây là giai đoạn I của dự án KCN hỗ trợ Nam Hà Nội.
Sự việc liên quan đến dự án này trở nên phức tạp bắt đầu từ ngày 21-7-2011 khi Công ty N&G tiếp tục thực hiện việc chi trả cho người dân thôn Kiều Đoài, Kiều Đông và Cổ Trai. Tuy nhiên, một bộ phận người dân thôn Cổ Trai không nhận tiền bồi thường với yêu sách phải thu hết toàn bộ diện tích dự án và trả tiền một lần cho dân. Bà Trương Thị Ngánh, thôn Cổ Trai, xã Đại Xuyên, Phú Xuyên cho biết, "trả đủ tiền thì dân Cổ Trai sẽ giao ruộng. Dân Cổ Trai không chấp nhận GPMB theo kiểu xôi đỗ". Bà Trương Thị Ngánh dẫn chứng: "Sau vài lần khất lần, khất lượt, trong các ngày 5 và 6-7-2011, nhân viên Công ty N&G mới trả được khoảng 10 tỷ đồng cho 18 hộ thôn Kiều Đoài (trong tổng số khoảng 600 tỷ đồng cho cả ba thôn), sau đó lại không thấy chi trả nên người dân nghi ngờ năng lực tài chính của nhà đầu tư".
Qua điều tra, nguyên nhân chậm trễ trong GPMB dự án này, trước hết do phải điều chỉnh chuyển các khu đất dịch vụ, đất đấu giá diện tích gần 14,5ha tại mặt đường nhánh nối với quốc lộ 1A và đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, đồng thời bổ sung 7,4ha đất xen kẹt tại phía Nam đường nhánh, giáp khu đất đấu giá thành đất đô thị, dịch vụ phục vụ dự án KCN hỗ trợ Nam Hà Nội. Về việc này, Công ty N&G cùng với các sở, ngành của TP đang hoàn thiện việc điều chỉnh quy hoạch. Trước đó (ngày 21-3-2011) để tháo gỡ khó khăn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng đã chỉ đạo, hết tháng 5-2011, huyện Phú Xuyên phải phê duyệt xong phương án bồi thường hỗ trợ khoảng 5ha đất của thôn Cổ Trai để làm tuyến đường nối với khu đất 19ha đất của thôn Kiều Đông, Kiều Đoài bàn giao cho chủ đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN. Diện tích còn lại sẽ tiếp tục GPMB để đồng bộ với tiến độ đầu tư xây dựng KCN hỗ trợ Nam Hà Nội giai đoạn I.
Ông Trần Văn Chương, Phó Tổng Giám đốc Công ty N&G cho biết, sở dĩ phải thực hiện phương án này, vì người dân thôn Kiều Đông, Kiều Đoài đã đồng thuận với chính sách bồi thường GPMB. Ở khía cạnh khác, dự án phải triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam mới có căn cứ để giải ngân chi phí GPMB và thi công xây dựng giai đoạn I KCN hỗ trợ Nam Hà Nội. Ông Chương cho biết thêm, đến ngày 19-7-2011, chủ đầu tư đã chuyển cho Ban Bồi thường GPMB huyện Phú Xuyên 257 tỷ đồng để đền bù đợt 1 theo yêu cầu. Ông Nguyễn Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty N&G cho rằng, người dân đòi hỏi một lúc chi trả toàn bộ số tiền 600 tỷ đồng thì rất khó, bởi diện tích đất dịch vụ, đất đấu giá và đất xen kẹt gần 22ha chuyển sang đất đô thị, dịch vụ phục vụ dự án chưa được TP phê duyệt quy hoạch chi tiết, hơn nữa việc giải ngân cũng không phải dễ vì các ràng buộc cam kết trong việc vay vốn ưu đãi giữa công ty với ngân hàng để chi trả GPMB.
Tìm hiểu tình hình, chúng tôi cảm nhận, một bộ phận người dân xã Đại Xuyên chưa hiểu đầy đủ những chính sách liên quan khi Nhà nước thu hồi đất phát triển công nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thắm, đội 3, thôn Cổ Trai nói: "Nếu không trả đủ tiền sẽ không bán đất...". Cũng có người lại cho rằng KCN hỗ trợ Nam Hà Nội là khu đô thị chứ không phải KCN... Điều này chứng tỏ trong công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền sở tại còn yếu dẫn đến một số người dân chưa hiểu rõ chủ trương của TP. Khi hỏi về những vấn đề phức tạp phát sinh liên quan đến GPMB dự án này, Chủ tịch xã Đại Xuyên còn từ chối thẳng thừng và đùn đẩy: "Vấn đề này rắc rối, phải được huyện cho phép mới trả lời".
Việc triển khai xây dựng KCN hỗ trợ Nam Hà Nội là chủ trương lớn thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của Thủ đô. Do đó, ngoài sự thống nhất cao trong quá trình triển khai, huyện Phú Xuyên cần quyết liệt, nhất là trong tuyên truyền, vận động, đồng thời áp dụng các biện pháp xử lý kiên quyết các đối tượng gây cản trở mới bảo đảm tiến độ dự án.