Bài 1: Sự tắc trách phá hoại niềm tin
Đời sống - Ngày đăng : 06:47, 15/08/2011
Những điều mắt thấy tai nghe ở Nam Trung Yên thực sự là một lời cảnh tỉnh đắt giá đối với công cuộc kiến thiết Thủ đô hôm nay và ngày mai.
Tòa nhà B6B thuộc KĐT Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) là khu tái định cư của những hộ dân nằm trong dự án đường Văn Cao - Hồ Tây, Hà Nội.
Nước bị ô nhiễm, người dân tại tòa nhà B6B, KĐT Nam Trung Yên phải dùng xô chậu lấy nước sạch để sử dụng . Ảnh: Bá Nguyên
"Chúng tôi khổ quá!"
Trước khi chúng tôi đến Nam Trung Yên, đã có nhiều thông tin phản ánh những bức xúc của bà con về điện, nước sinh hoạt, thang máy, đèn chiếu sáng, trường học, trạm xá… Chuyện này vài năm qua, được nói nhiều nhưng gần đây lại bùng lên vì những vấn đề bức xúc mới. Nhưng như các cụ đã dạy, cái gì cũng phải mắt thấy tai nghe mới thực sự tin. Và những điều chứng kiến ở Nam Trung Yên đã khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên đến bức xúc, lo lắng.
Từ đường Trần Duy Hưng, lối vào khu TĐC được khởi công từ tháng 9-2003 giống như lối vào một bãi đất hoang. Cỏ dại mọc um tùm hai bên đường và một khoảnh tròn ở giữa, có lẽ là đảo giao thông. Chiếc xe 16 chỗ ngồi của chúng tôi suýt nữa phải quay ra vì "cộc đầu" vào barie mà không hiểu người ta dựng lên có phải để thông báo rằng "đây là công trường" hay không? Nếu vậy, hóa ra hàng ngàn người dân đã được TĐC trong công trường. Đường trong khu Nam Trung Yên thực sự là một ''mê cung'' bởi các khu nhà xây dựng xong có dân đến ở đan xen với những bãi đất hoang mọc đầy cỏ dại, những công trường đang xây dựng, những bãi đất tập kết phế liệu, lán trại nhếch nhác… Khó có thể hình dung đây là một khu TĐC sẽ được xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh như một khu đô thị riêng biệt, kiểu mẫu. Ở đây, muốn mời bạn đến chơi, có lẽ chỉ còn cách đi đón, chứ bắt tìm, chắc lần sau thì bạn "cạch". Mà nhỡ lạc vào đây, không chịu khó hỏi, đố ai có thể biết được tên khu TĐC là Nam Trung Yên. Không có bất kỳ thứ biển, bảng nào giúp chúng ta biết những điều tối thiểu đó. Hay là biển, bảng họ để ở đâu thì chúng tôi chưa tìm ra?
Khi đơn vị cấp thoát nước đào khoanh cống ngầm, nước cống, nước hố ga phun lên với màu đen kịt, bốc mùi nồng nặc. Nguồn nước này từng ngấm vào bể nước sinh hoạt của người dân. Ảnh: Bá Nguyên
Trước mắt chúng tôi là hai tòa nhà TĐC bỗng dưng "nổi tiếng" được giới thiệu trên báo chí mấy tuần nay: Nhà B6B, B6C. Biết có đoàn kiểm tra đến, người dân đã chạy xuống chờ đợi gặp lãnh đạo TP. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo trực tiếp nói chuyện với bà con. Ai cũng muốn giãi bày, cũng muốn cung cấp thông tin, đầy những bức xúc! Ông Nghiêm Văn Lợi, Tổ trưởng lâm thời nhà B6B, được cử thay mặt bà con, cho biết: "Ngày 31-7, chúng tôi phát hiện nước sinh hoạt có mùi hôi, không dùng được. Từ hôm đó đến nay, người ở tầng 17 cũng phải hằng ngày đi bộ xuống tầng 1 xách nước lên để dùng. Vì thang máy cũng đã hỏng. Ngày 3-8-2011, chị Mai ở phòng 1301 đón con đi học về bị kẹt trong thang máy, sau đó thang rơi tự do từ tầng 4 xuống, người bị choáng." Để chứng thực lời mình, ông Lợi dẫn đoàn kiểm tra đi xem thực địa. Tại bể chứa nước sinh hoạt của nhà B6B, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nhiều người cố kiên nhẫn cũng chỉ đứng được một lúc. Còn thang máy thì đã hỏng.
Khi đoàn đang xem xét bể nước, nhiều người dân đứng xúm xung quanh như không kìm nén được nỗi bức xúc vẫn nói oang oang giãi bày hoàn cảnh. Một người phụ nữ tay xách nách mang, có lẽ vừa đi chợ về, nói như muốn khóc: "Con tôi bỏ nhau vì đứa thì cố ở, còn đứa thì không chịu đựng được. Các ông giải quyết thế nào chứ để thế này, chúng tôi khổ quá!"
Những lời cảnh tỉnh
Để khắc phục tạm thời vấn đề bể nước sinh hoạt bị bốc mùi, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch quận Cầu Giấy đã cho xe téc chở nước cung cấp hằng ngày cho người dân nhà B6B. Trước sân tòa nhà, một téc nước bằng nhựa màu xanh chừng 2m3 được bố trí. Người dân chỉ có hai cách là dùng tại chỗ hoặc xách nước lên nhà. Nhưng oái oăm là thang máy của tòa nhà đã bị hỏng từ lâu. Đứng ở chân tòa nhà, ngước lên tầng 17 mà tôi rùng mình khi nghĩ sẽ phải khệ nệ xách thùng nước từ tầng 1 lên. Nói dại, nhỡ bị ốm đau phải cấp cứu thì chuyện gì có thể xảy ra? Chưa hết, chị Nguyễn Thị Hải Nguyệt, phòng 1602 thổ lộ: "Người ta còn cho bên viễn thông lắp trạm tiếp sóng ngay trên mặt bể nước nóc nhà, khiến công nhân Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy không thể mở nắp bể để vệ sinh được. Phòng 1706 thậm chí còn bị nứt và thấm dột vì cái trạm này". Ở ngay sát bên nhà B6B, nhà B6C có hai thang máy lẽ ra phải vận hành hết để một cái dùng, một cái dự phòng, đằng này, một bên thang máy chưa bao giờ chạy.
Những chuyện mắt thấy tai nghe đã khiến lãnh đạo TP cũng không thể cầm lòng. Ngay tại sảnh của thang máy nhà B6B và B6C, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico-một trong hai chủ đầu tư của khu TĐC, phụ trách xây dựng nhà ở) và Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (đơn vị được bàn giao quản lý những nhà TĐC đã hoàn thiện), yêu cầu tìm mọi cách sửa chữa, vận hành các thang máy của hai tòa nhà này ngay trong ngày.
Thực tế cứ như trêu ngươi, vừa tạm hết chuyện thang máy, thì chuyện vật liệu làm cửa ra vào các căn hộ nhà B6C lại được nêu ra cực kỳ bức xúc. Báo cáo lãnh đạo TP, chị Trần Thị Tuyết Mai, phòng 1301 mang một mảng cửa nhà mình xuống tận sân cho mọi người cùng chứng thực. "Hôm trước họ định phi tang, em giấu đi được tấm này. Đấy các bác xem, cửa thế này thì gió mạnh sập một cái là vỡ tan chứ còn gì" - miệng nói, tay chị Mai bẻ từng miếng cửa như bẻ… bánh đa. Không tin nổi mắt mình, nhiều người trong đoàn đưa tay bẻ thử. Giám đốc Sở QHKT Nguyễn Văn Hải cầm trên tay miếng cửa "giòn tan" cũng phải lắc đầu ái ngại. Nhiều người khó nói, đỏ mặt cho thi công công trình cùng chung nhận xét, "Đây là trò ăn thật, làm giả, chẳng khác gì vụ "bê tông cọc tre" hôm nào.
Ai cũng biết rằng, những người dân đến ở nhà B6B, B6C đã giao đất cho dự án đường Văn Cao - Hồ Tây, dự án mà đến hôm nay vẫn chưa GPMB dứt điểm. Với những khu nhà TĐC có vô số vấn đề bức xúc như vậy, TP lấy đâu ra cơ sở để thuyết phục người dân nhường đất cho dự án? Sự tắc trách mà các đơn vị được TP giao nhiệm vụ xây dựng khu TĐC Nam Trung Yên đã và đang làm xói mòn, phá hoại niềm tin của người dân với chính quyền. Vụ việc ở Nam Trung Yên không còn là chuyện của riêng một khu TĐC, mà là một vấn đề chung của công tác thu hồi đất, GPMB đây là vấn đề nóng bỏng, bức xúc cần lập lại trật tự trong công cuộc kiến thiết Thủ đô Hà Nội hôm nay và ngày mai.
Khu TĐC Nam Trung Yên thuộc địa bàn Cầu Giấy, Thanh Xuân và Từ Liêm, có diện tích 56,4ha. Tháng 9-2003, dự án được khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2007. Hai chủ đầu tư của dự án là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) phụ trách xây dựng nhà ở, Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội phụ trách xây dựng hạ tầng. Đây là khu TĐC vào loại lớn nhất TP, có địa điểm thuộc diện "mơ ước" của Hà Nội. Mong muốn của TP là sẽ xây dựng Nam Trung Yên thành khu TĐC tập trung, đồng bộ, toàn diện về hạ tầng, dịch vụ; một mô hình kiểu mẫu để thực hiện chủ trương: "Nơi ở mới của người dân thuộc diện GPMB phải tốt hơn hoặc ít nhất cũng không kém nơi ở cũ". |