“Sông Thames” dậy sóng

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:20, 15/08/2011

(HNM) - Tròn một tuần đã trôi qua kể từ khi cuộc bạo loạn bất ngờ bùng phát, thủ đô London cùng nhiều thành phố của nước Anh đã dần tìm lại được sự yên bình. Nhưng 7 ngày kinh hoàng cũng đã kịp để lại những "vết thương" ê ẩm khắp mình mẩy xứ Sương mù; mà "nỗi đau" khó lành nhất là niềm tin của người dân vào sự ổn định của đất nước đã bị tổn hại nặng nề.


Cho đến giờ, nhiều người vẫn không thể tin nổi tại một quốc gia có nền văn minh vào bậc nhất thế giới lại xuất hiện những cảnh tượng như những gì đã và đang xảy ra tại Syria, Ai Cập hay Tunisia. Suốt nửa thập kỷ qua, chưa bao giờ người dân Anh quốc lại phải trải qua cả tuần lễ "chạy loạn" như trong thời chiến và nơm nớp lo sợ cho tính mạng, tài sản của mình cứ như thể họ đang sống trong một xã hội không có luật pháp. Cũng chính vì cái "sự không thể ngờ" đó mà lực lượng cảnh sát hùng hậu ở một quốc gia có hệ thống an ninh được xếp vào hạng "top 10" của thế giới phải chịu "lép vế" trước "đội quân" chỉ được "trang bị" bằng những vũ khí tự chế như gậy gộc, xăng dầu và chai lọ. Đến khi bộ máy công quyền bừng tỉnh khỏi "giấc mộng" thì 5 người đã thiệt mạng, nhiều cao ốc và xe cộ hào nhoáng đã biến thành những khối đen xì, hàng trăm cửa hiệu bị cướp bóc, đường phố tan hoang như vừa trải qua một cuộc chiến, thiệt hại vật chất ước tính lên tới hơn 170 triệu USD...

Tình nguyện viên xuống đường dọn dẹp sau bạo loạn ở London.

Dù hơn 1.700 người bị bắt, 600 người bị truy tố, các tòa án hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm để xử lý khối lượng hồ sơ khổng lồ, song nước Anh còn lâu mới có thể trở lại được như trước. London êm đềm bên dòng sông Thames giờ được thay thế bằng hình ảnh một thành phố dậy sóng, dày đặc sắc cảnh phục. Với 16.000 cảnh sát được triển khai trên diện tích 1.580km2, giờ đây, mỗi sáng thức giấc, người dân London lại thấy cứ mỗi 100m2 có một cảnh sát. Thật buồn cho nước Anh khi những biện pháp "quân sự hóa" chưa từng được triển khai trong thời bình đang được xem xét đưa ra để chặn đứng bạo loạn như sử dụng đạn nhựa, vòi rồng... Nhưng có lẽ biện pháp gây sửng sốt nhất là kế hoạch kiểm soát các mạng xã hội như BlackBerry Messenger, Twitter - những "tội đồ" được xem là đã tiếp tay làm lan rộng làn sóng bạo lực trong tuần qua. Một đất nước luôn tự hào là quốc gia tôn trọng tự do thông tin đã buộc phải thay đổi để thích ứng. Bằng những gì vừa trải qua và nước Anh đang phải đối mặt, từ trái tim truyền thông của châu Âu đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng những cách thức thông tin gây bất ổn xã hội và có thể dẫn đến bạo loạn, gây tổn thất cho đời sống thường nhật của dân chúng phải được kiểm soát có hiệu quả.

Kể từ khi Chính phủ liên hiệp giữa đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ Tự do lên nắm quyền cách đây hơn một năm, xứ Sương mù đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên, các cuộc đình công của công nhân đường sắt, nhân viên bưu điện. Đặc biệt là hai cuộc tuần hành thu hút hàng trăm nghìn người tham gia phản đối các chính sách cắt giảm ngân sách, tăng học phí đại học, cải cách lương hưu... và giờ đây là bạo loạn trên đường phố. Mỗi sự kiện nêu trên có nguyên nhân riêng nhưng tất cả đều có điểm chung là diễn ra trong bối cảnh chính phủ cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ và thực hiện hàng loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng như đã đề ra trong cương lĩnh tranh cử. Tuy nhiên, lộ trình hà khắc nhằm đạt được mục tiêu đưa nước Anh thoát khỏi gánh nặng nợ nần đang tạo thêm sức ép lên cộng đồng nhập cư và tầng lớp người nghèo vốn đang phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp, thiếu thốn. Đây là những yếu tố châm ngòi cho tình trạng bất ổn trên một quy mô chưa từng thấy kể từ vụ bạo loạn tại quận Bristol (London), khu vực có đông người da màu, cách đây 30 năm. Tình hình nhiều thành phố của Anh đã dịu xuống sau những đêm bạo loạn, nhưng đây vẫn là thách thức lớn nhất với sự nghiệp của Thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ David Cameron kể từ khi lên cầm quyền hồi năm ngoái.

Những biện pháp mạnh tay của London hứa hẹn sẽ sớm dẹp yên bất ổn; nhưng giải quyết những vấn đề xã hội, cộng đồng và kinh tế - nguyên nhân sâu xa của bạo loạn mới là khó khăn dài hạn của nước Anh. Những gì vừa xảy ra tại quốc đảo Sương mù cho thấy, bất kể ở quốc gia nào, dù đang phát triển như Tunisia, Ai Cập hay phát triển như Anh hoặc Pháp, dù là châu Phi hay châu Âu và cả châu Mỹ, những bất ổn về kinh tế nếu không được "sửa chữa" kịp thời đều có thể làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng xã hội với những hậu quả khôn lường.

Lâm Phương