Thực hành ngoại ngữ: Những mảnh giấy nhắn
Xã hội - Ngày đăng : 07:51, 14/08/2011
Bà có 5 đứa con, lớn nhất là Clara, 12 tuổi, và nhỏ nhất là cậu em út 2 tuổi. Nhưng tôi chẳng thấy mẹ Clara cáu bẳn bao giờ. Bà luôn dành một chút thời gian mỗi khi tôi tới chơi như: đứng dậy lấy chiếc bánh, hoặc pha cho tôi một cốc sữa. Cho đến một ngày, mấy chị em Clara với đôi mắt đỏ, sưng húp bước khỏi xe buýt nhà trường thì tôi biết ngay, hẳn có chuyện gì khủng khiếp lắm. Tôi vội kéo Clara ra một bên, năn nỉ bạn:
- Ấy nói xem chuyện gì đã xảy ra đi!
Minh họa: Lâm Thao |
Và tôi đã không thể tưởng tượng được câu trả lời:
- Tối hôm trước, bác sĩ nói mẹ tớ bị u não và chỉ còn sống được vài tháng nữa.
Tôi nhớ rất rõ sáng hôm đó, tôi và Clara bỏ các bạn, đi ra khu vườn sau trường, ở đó chúng tôi nắm tay nhau và cùng khóc. Chúng tôi cứ ngồi đó cho đến khi chuông vào lớp reo vang. Vừa buồn, vừa cảm thấy tội lỗi vì không gánh được một phần nỗi đau cho bạn, tôi đã không dám đến chơi nhà Clara suốt mấy ngày liền. Cho đến khi mẹ tôi thuyết phục rằng tôi không thể bỏ bê Clara và gia đình bạn ấy trong thời điểm đáng buồn như thế được nên tôi lại đến nhà Clara. Nhưng tôi đã ngạc nhiên kinh khủng. Khi vừa đến cửa nhà bạn ấy, tôi nghe thấy tiếng nhạc nhộn nhịp cùng tiếng mọi người đang thảo luận về bộ phim hoạt hình với rất nhiều tiếng cười. Mẹ Clara đang ngồi trên ghế chơi ô chữ với các con. Tất cả chào tôi với nụ cười tươi rói. Còn tôi thì cố che giấu sự bối rối của mình, rõ ràng mọi sự không như tôi tưởng. Clara ngừng chơi và dẫn tôi ra vườn. Bạn ấy giải thích tất cả: mẹ bạn ấy nói rằng, món quà lớn nhất mà gia đình có thể tặng cho mẹ là sống tiếp như thể không có gì bất thường cả. Mẹ muốn những kỷ niệm cuối cùng sẽ là những kỷ niệm vui nên cả nhà đã đồng ý và cố gắng hết sức.
Một hôm, Clara mời tôi đến dự sinh nhật của mẹ bạn ấy. Tôi tìm mua cho bác một chiếc mũ màu vàng nhạt, vì bác ấy muốn đội mũ chứ không phải là tóc giả. Đội chiếc mũ lên, bác ấy đã cùng chúng tôi chụp ảnh. Đó là một kỷ niệm vui và đáng nhớ, dù chẳng ai dám nói ra nỗi lo ngại rằng ngày bác ấy phải rời chúng tôi đã không còn xa. Cuối cùng, ngày ấy cũng tới. Bác ấy đã mất. Trong hàng tuần sau đó, tôi không thể diễn tả nổi nỗi buồn của chị em Clara cũng như của tôi. Rồi một ngày tôi đến trường, thấy Clara cười rất tươi nói chuyện với các bạn cùng lớp và vài lần nhắc đến tên mẹ mình. Khi thấy tôi, bạn ấy giải thích lại từ đầu. Sáng hôm đó, khi mặc áo cho cậu em út đi học, Clara tìm thấy một mảnh giấy mẹ viết từ rất lâu được giấu trong ngăn kéo đựng tất. Điều đó làm Clara lại cảm thấy như có mẹ ở bên. Chiều hôm ấy, cả gia đình Clara "săn lùng" những mảnh giấy nhắn. Mỗi khi ai đó tìm thấy mảnh giấy nhắn thì lại cho mọi người cùng xem. Nhiều năm sau, gia đình lại tìm thấy những mảnh giấy nhắn vào những lúc rất bất ngờ. Một mảnh được tìm thấy vào ngày Clara tốt nghiệp đại học. Đó là tấm thiệp mà mẹ Clara đã viết sẵn và gửi bạn bè của bà. Ngày bố Clara tái hôn, có một người bạn đem đến cho ông một lá thư, trong thư bà chúc ông hạnh phúc và nhắc các con hãy yêu thương người mẹ kế vì bà tin rằng ông sẽ tìm được người vợ kế tử tế thương yêu các con của bà.
Tôi thường nghĩ đến nỗi đau mà mẹ Clara hẳn đã cảm nhận khi bà viết những mảnh giấy nhắn và những tấm thiệp, bức thư cho các con mình. Nhưng qua tất cả những điều đó, tôi có thể hiểu được những tình yêu thương tuyệt vời mà bà đã để lại cho các con, bất kể nỗi đau bà đang phải âm thầm chịu đựng.